Ông Putin mỉa mai đòn trừng phạt của Mỹ

09:06, 22/03/2014
|

(VnMedia) - Phản ứng đầu tiên trước một loạt đòn trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm qua (21/3) đã có những phát biểu mang đầy tính mỉa mai, châm biếm đồng thời ông cũng ngạo nghễ tuyên bố không cần trả đũa Mỹ.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Putin


Trước đó, hôm 20/3, Washington tuyên bố mở rộng danh sách trừng phạt các quan chức Nga lên thêm 20 người, nâng tổng số quan chức Nga bị Mỹ liệt vào danh sách đen lên 31 người. Tổng thống Barack Obama đồng thời cũng thông báo một sắc lệnh mới về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên những quan chức và doanh nhân hàng đầu của Nga.
 
Tổng thống Putin hôm qua đã thể hiện thái độ coi thường đòn trừng phạt của Mỹ bằng những phát biểu mang đầy tính mỉa mai, chế giễu.
 
“Đúng, họ được gọi là ‘những con người lịch sự trong bộ trang phục ngụy trang và mang theo súng’”, ông chủ điện Kremlin đã nói mỉa mai như vậy trước lời cáo buộc của phương Tây về việc lính Nga chiếm các căn cứ ở Crimea.
 
“Hãy nhìn họ, những người Nga điển hình. Chúng ta cần phải tránh những công dân đó bởi họ đang làm ‘bẽ mặt đất nước’”, Tổng thống Putin phát biểu, chỉ đến những người vừa bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt như hai doanh nhân nổi bật Arkady và Boris Rotenberg, Chủ tịch Tập đoàn Volga - Gennady Timchenko, và Tổng Giám đốc Ngân hàng Rossiya - Yury Kovalchuk.
 
Ngoài ra, trong danh sách trừng phạt mới của Mỹ còn có những cái tên như ông Aleksey Gromov -Phó Chánh Văn phòng Tổng thống; ông Sergey Ivanov – Chánh Văn phòng Tổng thống; và ông Sergey Naryshkin – Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga). Người đứng đầu Tập đoàn Đường Sắt Nga Vladimir Yakunin cũng có mặt trong danh sách này.
 
Sắc lệnh được Tổng thống Obama thông báo hôm 20/3 cũng cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng, khai mỏ, quốc phòng và công nghệ-kỹ thuật của Nga.
 
Sau khi mỉa mai các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào một loạt cá nhân của Nga, ông chủ điện Kremlin cũng chế nhạo cả đòn trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố áp dụng với Ngân hàng Rossiya.
 
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, ông sẽ nhận lương qua hệ thống ngân hàng bị trừng phạt này. “Tôi đã nói rằng, tôi sẽ mở một tài khoản trong ngân hàng đó và hơn nữa tôi sẽ đề nghị được chuyển lương của mình qua tài khoản ở ngân hàng này”, ông Putin nói.
 
Tổng thống Putin thêm rằng, giới chức Nga nên cung cấp bất kỳ sự ủng hộ nào cần thiết cho các khách hàng của Ngân hàng Rossiya đang bị trừng phạt bởi “tổ chức tài chính này chẳng liên quan gì đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Khách hàng của ngân hàng cần phải được chúng ta bảo vệ. Chúng ta nên đảm bảo chắc chắn rằng, cả khách hàng lẫn ngân hàng đó không phải chịu bất kỳ hậu quả tiêu cực nào từ tình hình hiện tại”. Ông Putin đã ra lệnh cho Ngân hàng Trung ương Nga giúp đỡ, ủng hộ cho Ngân hàng Rossiya, "đặc biệt là bởi vì ngân hàng này có một cái tên đẹp như vậy”.
 
Sự thách thức đầy ngạo nghễ của Tổng thống Putin
 
Trong một phát biểu thể hiện sự thách thức đầy ngạo nghễ, Tổng thống Putin còn đảm bảo rằng Nga sẽ không trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ và cũng không áp dụng chế độ visa để đáp trả Ukraine.
 
Ông Putin tin rằng, hàng triệu người Ukraine vô tội sẽ phải gánh hậu quả nếu Nga áp dụng chế độ visa với Ukraine. “Những người này không giàu. Họ đang phải làm việc ở Nga để nuôi sống gia đình. Chúng ta không nên làm việc đó”.
 
Ông chủ điện Kremlin cũng cho biết, Nga sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn đầu trong một dự án nhằm sửa chữa các trực thăng ở Afghanistan. Đây là dự án do NATO và Nga thực hiện. “Chúng tôi nên tiếp tục sự hợp tác này bất chấp các đối tác NATO của chúng ta tuyên bố cắt đứt quan hệ”, ông Putin nói.
 
Cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Putin đã chính thức ký thành luật việc sáp nhập Crimea vào nước Nga. Bước đi này được tiến hành sau khi cả Thượng viện và Hạ viện Nga đều nhất trí thông qua việc đưa Crimea quay trở lại “mái nhà xưa”.
 
"Tôi đã ký nhiều sắc lệnh trong ngày hôm nay, trong đó có sắc lệnh về việc thành lập thêm một khu vực hành chính mới – đó là khu vực Crimea", ông Putin cho biết sau lễ ký sắc lệnh biến việc sáp nhập Crimea vào Nga thành luật.
 
"Chúng ta vẫn còn rất nhiều công việc phía trước cần phải làm để đưa Crimea thích ứng và hòa nhập vào hệ thống pháp lý của Nga, nền kinh tế và xã hội Nga”, ông Putin nói thêm.
 
Theo hiệp ước được Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện và Hạ viện) thông qua, việc sáp nhập Crimea dựa trên “sự tự nguyện và ý chí tự do” của người dân Crimea được thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 vừa rồi. Theo đó, có tới gần 97% người dân đồng ý ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập với Nga.
 
Nga bảo đảm các quyền của người Crimea trong việc duy trì các ngôn ngữ bản xứ và cam kết tạo điều kiện cho khu vực này học ngôn ngữ bản xứ của họ. Tiếng Nga, Ukraine và Tatar trở thành ngôn ngữ chính thức của Crimea.
 
Sau lễ ký sắc lệnh, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm ông Oleg Vladimirovich Bulavintsev làm phái viên của tổng thống về vấn đề Crimea, kêu gọi cả Thượng viện và Hạ viện tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến trình sáp nhập Crimea và Sevastopol vào Nga.
 
"Tôi đề nghị các nghị sĩ của Quốc hội hãy tham gia tích cực vào công việc này và làm tất cả mọi điều trong quyền hạn để làm cho tiến trình sáp nhập không chỉ diễn ra suôn sẻ, không đứt đoạn mà còn có lợi cho tất cả người Nga và người Crimea”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc