Được về với Nga, dân Crimea ào ra đường ăn mừng

19:28, 17/03/2014
|

(VnMedia) - Quốc hội Crimea hôm nay (17/3) đã chính thức tuyên bố độc lập, tách khỏi Ukraine sau khi có tới 96,77% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua (16/3) lựa chọn con đường sáp nhập vào Nga.
 

Ảnh minh họa

 Sự xúc động của một người dân Crimea khi được trở về "mái nhà Nga"


Quốc hội của nước cộng hòa tự trị Crimea đã thông qua bản tuyên bố độc lập trong một phiên họp bất thường. Theo đó, bán đảo ở Biển Đen đã chính thức tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền gọi là nước Cộng hòa Crimea.
 
"Nước Cộng hòa Crimea có ý định thiết lập mối quan hệ với các quốc gia khác trên cơ sở bình đẳng, hòa bình, láng giềng tốt và cùng thừa nhận các nguyên tắc chung về hợp tác kinh tế, chính trị, văn hóa”, tuyên bố độc lập của Crimea viết.
 
Hội đồng Tối cao Crimea (Quốc hội Crimea) cũng chính thức gửi đơn lên điện Kremlin đề nghị được sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga như là một nước cộng hòa mới.
 
Hồi đầu tháng này, Quốc hội Crimea đã bỏ phiếu để quyết định trở thành một phần của nước Nga và đã thông qua nghi quyết tuyên bố độc lập để mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua.
 
Sau khi kết quả trưng cầu dân ý chính thức được công bố và Quốc hội Crimea chính thức tuyên bố độc lập, hàng ngàn người dân ở bán đảo tự trị đã đổ ra đường ăn mừng, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của họ cho quyết định sáp nhập vào Nga.
 
Với 100% số phiếu được kiểm, có tới 96,77%, tương đương với 1,2 triệu cử tri Crimea, ủng hộ bán đảo này quay trở lại tái hợp với nước Nga sau 60 năm là một phần của Ukraine.
 
Người dân ở Crimea đã hò reo ăn mừng cuộc bỏ phiếu lịch sử ở thủ phủ Simferopol. Họ vẫy cờ Nga và hát vang những bài hát thời Xô-viết. Lãnh đạo Crimea - ông Sergei Aksyonov tuyên bố: “Chúng ta sắp trở về nhà. Crimea sắp trở về với Nga”.
 
Sau khi Quốc hội Crimea chính thức gửi đơn lên điện Kremlin xin sáp nhập vào Nga, Quốc hội Nga được cho là sẽ sớm thông báo về quyết định của mình đối với số phận của bán đảo Crimea trong thời gian ngắn, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga hôm nay (17/3) cho biết.
 
“Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea đã cho thấy một điều rõ ràng rằng người dân ở đây xem tương lai của họ chỉ là một phần của Nga. Mọi người ủng hộ việc sáp nhập trở lại đất nước mà họ luôn luôn chung sống cùng”, ông Sergei Neverov nói.
 
Người dân Crimea ở Simferopol và Sevastopol đã ăn mừng kết quả cuộc trưng cầu dân ý suốt đêm hôm qua và kéo dài đến sáng ngày hôm nay.
 
Ảnh minh họa

 Niềm vui của người dân Crimea khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố


Hầu hết người dân khi được hỏi đều bày tỏ sự tự tin rằng, cuộc trưng cầu dân ý thứ ba trong lịch sử bán đảo này sẽ đưa họ “trở về mái nhà Nga”.
 
Bán đảo Crimea về mặt lịch sử là một phần của Liên bang Nga nhưng nó đã được “tặng” lại cho Ukraine vào tháng 5/1954. Vào tháng 5 năm 1992, Hội đồng Tối cao Crimea (Quốc hội) đã tuyên bố độc lập và chỉ còn chờ đợi một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý này đã bị giới chức Ukraine chặn lại.
 
Crimea cũng đã tổ chức hai cuộc trưng cầu dân ý khác vào năm 1991 và 1994 để xem xem cử tri thích được hưởng sự tự trị lớn hơn trong khuôn khổ đất nước Ukraine hay là sáp nhập trở lại Nga.
 
Hội đồng Tối cao Crimea hôm 6/3 đã quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ ba, sau khi chính quyền lâm thời mới ở Kiev vừa lên cầm quyền có chính sách thể hiện sự phân biệt đối xử đối với người Nga, cụ thể ở đây là cấm sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức. Phần lớn người dân ở Crimea chỉ sử dụng tiếng Nga là ngôn ngữ duy nhất.
 
Hội đồng Tối cao Crimea đã thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập hôm 11/3, mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ngày hôm qua. Cuộc trưng cầu dân ý ở bán đảo tự trị Crimea là tâm điểm của cuộc đối đầu địa chính trị nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Giới chức phương Tây và Ukraine liên tục tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là bất hợp pháp, đồng thời cáo buộc Nga “xâm lược” Crimea. Liên minh Châu Âu (EU) hôm nay đang ngồi lại bàn bạc với nhau về việc sẽ áp dụng bước trừng phạt nào nhằm vào Nga vì vấn đề Crimea.
 
Nhà Trắng tuyên bố bác bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý mà họ tuyên bố là được tổ chức “dưới sự đe dọa bạo lực và dọa nạt”. Tuy nhiên, với sự giám sát của hàng trăm quan sát viên quốc tế và hàng nghìn phóng viên nước ngoài, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea đã diễn ra suôn sẻ mà không có bất kỳ sự vi phạm hay hành động gây áp lực nào với các cử tri. Ủy ban phụ trách cuộc trưng cầu dân ý không nhận được bất kỳ sự khiếu nại hay phàn nàn gì.
 
Sau tuyên bố độc lập của Crimea, các đơn vị quân đội của Ukraine ở đây sẽ được giải tán với các quân nhân được phép ở lại sống trên bán đảo này. Quốc hội Crimea cũng tuyên bố tài sản công của Ukraine trên bán đảo sẽ trở thành tài sản của nước Cộng hòa Crimea.
 
Quốc hội Crimea sẽ vẫn là cơ quan lập pháp tối cao ở bán đảo cho đến tháng 9 năm 2015 hoặc cho đến khi có quyết định về việc Liên bang Nga đón nhận nước cộng hòa tự trị này.
Tuần tới, Crimea chính thức đưa đồng rúp của Nga vào sử dụng như là đồng tiền chính thức thứ hai song song với đồng hryvna của Ukraine. Chế độ hai đồng tiền chính thức này sẽ được áp dụng trong khoảng 6 tháng.
 
"Các thủ tục sáp nhập bán đảo tự trị Crimea vào Nga sẽ mất khoảng một năm", Thủ tướng Crimea cho biết. Tuy nhiên, Crimea muốn duy trì quan hệ với “các thực thể kinh tế, trong đó có Ukraine”, hơn là đốt đi các cây cầu.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc