100.000 lính Nga đang áp sát Ukraine?

18:34, 28/03/2014
|

(VnMedia) - Một quan chức quốc phòng Ukraine hôm qua (27/3) cáo buộc, gần 100.000 binh lính Nga đang dồn về khu vực biên giới giữa hai nước. Đây là con số cao hơn rất nhiều lần so với ước tính của Mỹ.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Thông tin trên chưa được kiểm chứng về độ chính xác. Và người ta không thể không hoài nghi khi mà giới chức cầm quyền lâm thời mới ở Ukraine gần đây cung cấp nhiều thông tin được cho là nhằm mục đích tuyên truyền chống Nga.
 
"Gần 100.000 binh lính Nga đang đóng tại biên giới Ukraine... ở hướng khu vực Kharkiv, Donetsk", ông Andriy Parubiy – Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết từ thủ đô Kiev.
 
"Binh lính Nga không chỉ ở Crimea. Lực lượng này đóng dọc tất cả các phía của biên giới Ukraine. Họ ở khu vực phía nam, họ ở khu vực phía đông và ở cả phía bắc”, ông Parubiy cho hay.
 
Ông Parubiy cho rằng, một ngày nào đó, “chúng ta có thể thấy một cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ của lục địa Ukraine và chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó".
 
Trong khi vị quan chức Ukraine đưa ra con số 100.000 binh lính Nga dồn về biên giới hai nước thì giới chức quốc phòng Mỹ lại chỉ đưa ra con số khiêm tốn hơn rất nhiều là 20.000 lính.
 
Một nghị sĩ Đảng Cộng hoà Mỹ cáo buộc Nhà Trắng giấu thông tin quan trọng về quy mô triển khai quân Nga ở biên giới với Ukraine đồng thời yêu cầu chính quyền Mỹ phải tiết lộ những gì họ biết để giúp đỡ “các đồng minh dễ bị tổn thương”.
 
Các quan chức Nhà Trắng trước đó nói rằng, hơn 20.000 binh lính Nga, gồm các đơn vị không quân và xe bọc thép, đã được triển khai ở dọc khu vực biên giới với Ukraine. Đây là một lực lượng đủ lớn để Nga có thể chiếm quyền kiểm soát khu vực phía đông Ukraine.
 
Một quan chức quốc phòng Mỹ bày tỏ sự nghi ngờ đối với con số hơn 100.000 quân Nga ở biên giới của ông Parubiy. "Đó là con số quá cao”, vị quan chức khẳng định.
 
Sau khi can thiệp vào bán đảo Crimea, Nga liên tục bị cáo buộc có âm mưu xâm lược các khu vực khác ở phía đông của Ukraine mặc dù giới quan chức ở thủ đô Moscow liên tục bác bỏ những lời cáo buộc như vậy. Cả giới chức lâm thời mới ở Kiev và giới chức phương Tây đều liên tiếp đưa ra những lời cáo buộc về việc Nga sắp xâm lược Ukraine. Để chứng minh cho cáo buộc này, họ cũng cung cấp rất nhiều thông tin gây bất lợi cho Nga mà không được kiểm chứng.
 
Trong bài phát biểu mang tính lịch sử hôm 18/3 mới đây, Tổng thống Putin đã thẳng thắn cho biết: “Tôi chân thành mong muốn các bạn hiểu chúng tôi: Chúng tôi không bao giờ muốn làm tổn hại các bạn theo bất cứ cách nào, cũng không bao giờ muốn làm làm tổn thương lòng yêu nước của các bạn, không như những người sẵn sàng hy sinh sự thống nhất của Ukraine vì các tham vọng chính trị. Họ giương khẩu hiệu ca ngợi sự vĩ đại của Ukraine, nhưng cũng chính họ là những người làm mọi thứ để chia rẽ đất nước này. Những người bạn Ukraine thân mến, tôi mong các bạn hãy nghe tôi. Xin đừng tin những ai muốn các bạn sợ hãi nước Nga, kêu gào rằng rồi các vùng khác của Ukraine cũng theo chân Crimea. Chúng tôi không hề muốn chia cắt Ukraine. Chúng tôi không cần điều đó. Còn về Crimea, đó đã và sẽ mãi mãi là vùng đất của người Tatar, người Ukraine và người Nga”.
 
Nga không bị cô lập trong vấn đề Crimea
 
Trong một diễn biến khác liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua (27/3) đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea hôm 16/3 là vô giá trị. Nghị quyết không có tính ràng buộc này đã được thông qua với 100 nước bỏ phiếu ủng hộ, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Chỉ có 168 trong số 193 thành viên Liên Hợp Quốc có mặt tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong ngày hôm qua ở New York để tham gia cuộc bỏ phiếu nói trên.
 
Bất chấp áp lực mạnh mẽ của Mỹ và các nước ủng hộ cho nghị quyết tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý của Crimea là vô giá trị, kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy Nga không bị cô lập trong lập trường về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc – ông Vitaly Churkin cho hay.
 
“Rất nhiều nước đã phàn nàn rằng, họ phải trải qua áp lực rất lớn từ các cường quốc phương Tây đòi họ phải bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết đó”, ông Churkin đã cho phóng viên biết như vậy sau cuộc bỏ phiếu, nói thêm rằng ông tin áp lực đó sẽ “tạo ra một ảnh hưởng nhất định”.
 
“Tôi có thể nói, một số nước đã miễn cưỡng bỏ phiếu và họ phàn nàn với chúng tôi về áp lực lớn mà họ phải đối mặt”, Đại sứ Churkin cho ITAR-TASS biết.
 
Bất chấp việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết không ràng buộc về vấn đề Crimea, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng đã chứng tỏ một điều, Nga không bị cô lập trong tiến trình này. Armenia, Belarus, Bolivia, Cuba, Triều Tiên, Nicaragua, Sudan, Syria, Venezuela và Zimbabwe tất cả đều bỏ phiếu chống lại nghị quyết. “Nhiều nước đã bỏ phiếu trắng, một số đứng về phía Nga bỏ phiếu chống lại nghị quyết. Nhưng xu hướng là rõ ràng. Sau cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an, một số đối tác Châu Âu đã vội vàng tuyên bố Nga ‘bị cô lập’”, ông Churkin nói.
 
“Tôi xem những gì đã xảy ra là một diễn biến tích cực. Thậm chí mặc dù số phiếu ủng hộ nghị quyết mà Nga chống lại đạt được mức đa số nhỉnh hơn, tôi vẫn thích xu hướng mà tôi đang chứng kiến. Rõ ràng, không có sự cô lập. Chúng tôi không được đa số ủng hộ ngày hôm nay nhưng một xu hướng tích cực đã trở nên rõ ràng”, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc tuyên bố.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc