Phương Tây "kết thân" trở lại với ông Assad!

10:25, 16/01/2014
|

(VnMedia) - Trong bối cảnh phe nổi dậy Syria đang đấu đá, tàn sát lẫn nhau, một số nguồn tin đã tiết lộ thông tin gây sốc về việc các cường quốc phương Tây đang bí mật “kết thân” trở lại với Tổng thống Bashar al-Assad. Cùng với các diễn biến trên chiến trường và chính trường hiện nay, thông tin trên càng củng cố thêm cho những dự đoán về khả năng tồn tại của chính quyền Assad.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Assad (ngồi giữa) trong lần xuất hiện gần đây


Sau khi cuộc nội chiến ở Syria  bùng lên từ cách đây gần 3 năm, các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu liên tục kêu gọi và gia tăng sức ép quyết liệt đòi Tổng thống Assad phải từ chức. Đã có những thời điểm, phương Tây tin tưởng chắc chắn rằng, số phận của chính quyền Assad chỉ còn được tính bằng ngày. Vào thời điểm cách đây hơn 1 năm, rất dễ hiểu khi các cường quốc lại có niềm tin như vậy. Khi đó, hòa vào cái gọi là cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập nổ ra và nhanh chóng lan rộng khắp khu vực Trung Đông, Bắc Phi cùng với sự khích lệ từ cuộc lật đổ ngoạn mục chính quyền của cố Tổng thống Libya Gaddafi, phe nổi dậy Syria đã ào lên, dồn ép, bủa vây chính quyền của Tổng thống Assad trên mọi mặt trận.
 
Cũng vì tin tưởng vào phong trào của phe nổi dậy, phương Tây tích cực ủng hộ, hậu thuẫn cho lực lượng này trên mọi mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao và truyền thông.
 
Trong bối cảnh dường như là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” này, phe nổi dậy đã liên tiếp giáng những đòn choáng váng vào quân của Tổng thống Assad, chiếm được hàng loạt vùng lãnh thổ, đặc biệt là ở khu vực phía bắc đất nước. Lực lượng nổi dậy còn tiến sát tới thành trì quyền lực của chính quyền Syria, dồn ép, bủa vây tứ phía khiến quân của ông Assad phải co cụm lại và chống đỡ một cách khó khăn.
 
Càng đánh, càng thắng và càng hăng, phe nổi dậy cứ thế tiến lên. Trên mặt trận ngoại giao, chính trị, phe nổi dậy bắt đầu được một loạt nước công nhận là đại diện chính thức và duy nhất của nhân dân Syria.
 
Trong khi đó, ở phía chính quyền, việc rơi vào tình thế gần như đường cùng như vậy đã khiến nội bộ chính quyền Syria dao động. Kết quả là làn sóng đào ngũ “dậy” lên với hàng trăm binh lính, sĩ quan lũ lượt rời bỏ chính quyền, chạy sang phe nổi dậy. Thậm chí, nhiều quan chức dân sự và tướng lĩnh của Tổng thống Assad cũng quay lưng với ông này, gia nhập vào phe đối lập.
 
Thất bại liên tiếp trên chiến trường, nội bộ rệu rã từ bên trong cùng với những “cú giáng” liên tiếp trên mặt trận chính trị, ngoại giao, chính quyền của Tổng thống Assad dường như đã đứng ngay trên bờ vực của sự sụp đổ.
 
Tuy nhiên, mọi việc đã nhanh chóng đảo chiều khi cuộc nội chiến ở Syria bước sang năm thứ 2. Vào giữa năm 2013, quân đội trung thành với Tổng thống Assad đã dần lật ngược tình thế trên chính trường. Thay vì thua trận liên liếp, quân chính phủ lại thắng như chẻ tre khắp các mặt trận.
 
Lý giải nguyên nhân của sự “đảo chiều” trên, người ta tin rằng, có một phần lỗi từ phương Tây. Trong thời điểm thế của phe nổi dậy đang lên, phương Tây không có sự giúp đỡ mang tính quyết định để lực lượng này có thể tạo nên bước đột phá trên chiến trường.
 
Khi cuộc chiến trên chiến trường ở thế giằng co kéo dài, phe nổi dậy bắt đầu vấp phải một loạt vấn đề. Vốn là một lực lượng “ô hợp” được tập hợp từ nhiều thành phần khác nhau, phe nổi dậy từ lâu đã có sẵn mâu thuẫn nội bộ âm ỉ. Nhiều thành phần khác nhau đồng nghĩa với nhiều chiến lược, ý đồ và mục tiêu khác nhau. Cuộc chiến kéo dài dai dẳng, nguồn lực cạn kiệt dần thì cũng là lúc mâu thuẫn nổi lên. Điều đáng lo ngại hơn là những lực lượng Hồi giáo cực đoan và khủng bố trà trộn vào nội bộ phe nổi dậy và dần chiếm thế thống lĩnh bởi lực lượng này chuyên nghiệp hơn, được trang bị vũ khí tốt hơn và có nguồn tài chính dồi dào hơn.
 
Sự nổi lên của lực lượng cực đoan và khủng bố trong nội bộ phe nổi dậy không chỉ gây lo ngại cho các cường quốc phương Tây mà còn làm xấu đi ảnh hưởng, uy tín của phe nổi dậy, khiến dân chúng Syria dần xa lánh lực lượng tự xưng là “cách mạng” này.
 
Tận dụng tình hình thuận lợi trên, quân của Tổng thống Assad bắt đầu phản công, liên tiếp giáng những đòn mạnh mẽ vào phe nổi dậy. Trong suốt nhiều tháng qua, quân chính phủ đã đánh cho phe nổi dậy thua tơi tả, giành lại được một loạt khu vực lãnh thổ đã mất.
 
Cùng với những chiến thắng trên chiến trường, chính quyền của Tổng thống Assad bắt đầu tiến từng bước trên chính trường và trên mặt trận ngoại giao. Thành công đáng chú ý nhất trong năm 2013 của chính quyền Assad chính là việc họ đã đạt được thỏa thuận với các cường quốc về việc hủy bỏ kho vũ khí hóa học, giúp họ tránh được một chiến dịch chết người từ phía Mỹ và các đồng minh.
 
Việc các cường quốc chấp nhận điều đình với chính quyền Assad trong vấn đề vũ khí hóa học được xem là một thắng lợi chính trị và ngoại giao của Nhà lãnh đạo Syria. Theo nhiều nhà phân tích, điều này cho thấy, phương Tây bắt đầu công nhận trở lại sự hợp pháp của chính quyền Assad khi trực tiếp ký thỏa thuận và phối hợp với chính quyền này trong vấn đề vũ khí hóa học.
 
Trong một dấu hiệu khác thể hiện giới lãnh đạo phương Tây chuẩn bị “kết thân” trở lại với Nhà lãnh đạo Assad, một số nguồn tin báo chí mới đây tiết lộ, giới chức tình báo phương Tây được cho là đã có cuộc tham vấn với Tổng thống Assad về cách thức đối phó với các lực lượng cực đoan, khủng bố đang chiến đấu chống lại chính phủ Syria.
 
Chưa hết, có nguồn tin còn khẳng định, nhiều nước phương Tây đã bắt đầu đề nghị đưa các ngoại giao của họ trở lại Damascus. Những thông tin trên nếu được xác nhận thì nó chứng tỏ các cường quốc đang muốn nối lại quan hệ với chính quyền của Tổng thống Assad.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc