Trung Quốc đem máy bay chiến đấu tuần tra Biển Đông

08:39, 08/08/2016
|
Không quân Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đi “tuần tra chiến đấu” gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông và đưa những cuộc tuần tra này trở thành thông thường.
 
Một số máy bay ném bom H-6 và chiến đấu cơ Su-30 đi tuần ở vùng trời xung quanh quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi Trường Sa) và bãi cạn Scarbourough - Tân Hoa xã dẫn lời đại tá cao cấp Shen Jinke cho biết. Các chuyến tuần tra bao gồm cả máy bay giám sát và tiếp dầu - Tân Hoa xã ngày 7.8 đưa tin, song không nói chúng diễn ra khi nào. “Không quân đang tổ chức bình thường hóa các chuyến tuần tra chiến đấu trên Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), thực hành các chiến thuật... tăng khả năng đáp trả với mọi mối đe dọa an ninh và bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích hàng hải quốc gia” - Shen nói.
 
Về phía Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động của Trung Quốc ở đây là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đe dọa tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
 
Theo giới quan sát, các cuộc tuần tra trên của Trung Quốc là sự đáp trả nhằm vào chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông. Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra tự do hàng hải như vậy từ năm ngoái tới nay, song nhiều tháng nay không có chuyến đi nào diễn ra. Mặc dù Mỹ vẫn cam kết tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, song có thể Mỹ không muốn làm tình hình Biển Đông thêm căng thẳng sau phán quyết của tòa trọng tài Luật Biển, trong đó vô hiệu hoá các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngược lại, Trung Quốc đã nhân lúc Mỹ giảm bớt hoạt động này để tăng cường việc “tuần tra” của họ, với các lý do tương tự như Mỹ.
 
Ngoài tăng cường răn đe trên thực địa, Trung Quốc cũng tiếp tục cuộc chiến về mặt truyền thông. Trong một bài viết tuần qua, tờ Global Times (Hoàn Cầu, là nhật báo khổ nhỏ thuộc Nhân dân Nhật báo), đã “cảnh báo” Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vì những điều ông phát biểu trong chuyến thăm chính thức tuần qua tới Mỹ. Theo Independent Singapore, bài báo trên Hoàn Cầu viết, trong cuộc tiếp tân trang trọng tại Nhà Trắng, vốn chỉ thường thấy với lãnh đạo các nước lớn hoặc đồng minh của Mỹ, “(ông Obama) đã có những lời nói không thuận tai khán giả Trung Quốc. Chẳng hạn, ông Obama ca ngợi Singapore là “cái neo” cho sự có mặt của Mỹ tại Châu Á”. Bài báo lưu ý rằng trước đó, chỉ có Nhật Bản và Australia được biết đến như hai “cái neo” của Mỹ, giờ Singapore được đặt sát cánh với Nhật Bản là điều “mà ngoài những gì người Trung Quốc biết về Singapore”. Cáo buộc Singapore đứng về phía Mỹ, bài báo viết: “Nếu Singapore hoàn toàn trở thành móng vuốt của Mỹ và đánh mất sự kiên nhẫn trong dịch chuyển giữa Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng của họ sẽ bị giảm đáng kể”. Tờ báo nói sự kiên nhẫn của Trung Quốc “nên có giới hạn” và Singapore không nên thúc đẩy giới hạn đó. “Singapore không thể đóng vai trò đưa ra sáng kiến giúp Mỹ và các nước Đông Nam Á đi ngược lại Trung Quốc về vấn đề Nam Hải (Biển Đông), không thể giúp chiến lược tái cân bằng Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ vốn nhằm vào công việc nội bộ của Trung Quốc”... bằng cách cho phép Mỹ có cớ lấn át không gian của Trung Quốc cũng như hỗ trợ Mỹ”.
 
Trung - Nhật căng thẳng ở Hoa Đông
 
Hôm 7/8, Nhật Bản cho biết đã phản đối Trung Quốc sau khi phát hiện nước này lắp đặt thiết bị radar quân sự trên một giàn thăm dò khí đốt gần vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông. Đây là loại radar thường sử dụng trên tàu tuần tra và không cần thiết cho phát triển mỏ khí đốt. Báo chí Nhật cho rằng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc định dùng các giàn thăm dò như trạm quân sự. Theo một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật, nước này phát hiện radar vào cuối tháng 6 và hôm 5.8 đã ra công hàm phản đối thông qua Đại sứ quán Nhật tại Trung Quốc, thúc giục Bắc Kinh giải thích mục đích của radar này.
 
Hôm 6/8 Nhật cũng đã ra công hàm khác phản đối Trung Quốc sau khi tàu cảnh sát biển và khoảng 230 tàu cá Trung Quốc áp sát đảo tranh chấp trên vùng biển Hoa Đông mà Nhật gọi là đảo Sensaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Shinsuke Sugiyama đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Cheng Yonghua đến phản đối mạnh mẽ. Sau đó quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, yêu cầu các tàu tuần duyên rời khỏi khu vực, và lên án hành động làm leo thang căng thẳng.
 
Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản tuần qua đã trở nên căng thẳng với việc Nhật Bản ra sách trắng quốc phòng trong đó bày tỏ lo ngại về sự quả quyết của Trung Quốc trên Biển Đông. Tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Tomomi Inda cũng bị Trung Quốc cáo buộc “diễn giải sai lệch một cách thiếu thận trọng lịch sử”, sau khi bà Inda từ chối nói về việc quân Nhật có thảm sát dân thường Trung Quốc trong Thế chiến II hay không.
 
Theo Lao Động

Ý kiến bạn đọc