Sốc với "cuộc trả thù" khốc liệt chưa từng có ở Thổ Nhĩ Kỳ

09:18, 06/08/2016
|

(VnMedia) - Cuộc đảo chính đầy bất ngờ hôm 15/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù đã bị dập tắt nhanh chóng nhưng hệ lụy mà nó để lại là rất lớn không chỉ riêng đối với đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mà cả với khu vực và thế giới.

Những binh lính bị bắt giữ sau cuộc đảo chính
Những binh lính bị bắt giữ sau cuộc đảo chính

Đêm ngày 15/7 và rạng sáng ngày 16/7, thế giới tràn ngập tin tức về cuộc đảo chính ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ với những hình ảnh được phát đi giống như đang diễn ra ở một cuộc chiến tranh toàn diện. Binh lính lăm lăm súng trong tay xuất hiện khắp nơi, xe tăng tràn ra đường, chiến đấu cơ gầm rú trên đầu, khói lửa và thương vong....

Sau những giây phút ngỡ ngàng, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi người dân đổ ra đường chống lại cuộc đảo chính. Kết quả là những cuộc đụng độ đẫm máu nổ ra giữa binh lính và người dân. Sức mạnh của nhân dân đã nhấn chìm cuộc đảo chính. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: “Tôi không bao giờ tin có sức mạnh hay quyền lực nào lớn hơn sức mạnh của nhân dân”. Hàng nghìn người dân đã đổ ra đường và nhanh chóng “vô hiệu hóa” cuộc đảo chính.

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn ai là lực lượng chủ mưu đứng đằng sau giật dây cuộc binh biến đẫm máu và hỗn loạn ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Một nhóm binh sĩ tự xưng là Hội đồng Hòa bình trên đất mẹ tuyên bố họ thực hiện cuộc đảo chính là nhằm để “đảm bảo và khôi phục trật tự hiến pháp, dân chủ, nhân quyền và tự do ".

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Erdogan đã nhanh chóng chỉ đích danh giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ là kẻ chủ mưu. Ông Gulen, 77 tuổi, từng là đồng minh thân cận của ông Erdogan ít nhất tới năm 1999 khi phải sang Mỹ lưu vong tại tiểu bang Pennsylvania và bị kết tội phản quốc. Gulen là người dẫn dắt phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia ở Thổ Nhĩ Kỳ (Hizmet). Phong trào Hizmet có sự hiện diện lớn trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có truyền thông, cảnh sát và hệ thống pháp lý.

Đáp lại cáo buộc trên, ông Gulen khẳng định không có bất kỳ sự dính líu nào đến những diễn biến gây rúng động trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian vừa qua. Ngược lại, ông Gulen còn tố ngược lại rằng, chính Tổng thống Erdogan mới là “kẻ chủ mưu” giật dây mọi chuyện nhằm tìm cách củng cố quyền lực.

Những cáo buộc qua lại giữa chính phủ của Tổng thống Erdogan và ông Gulen vẫn tiếp tục diễn ra. Hiện tại, Ankara còn tin rằng, phương Tây, cụ thể hơn là Mỹ đứng đằng sau âm mưu lật đổ chính quyền của ông Erdogan. Mối quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ vì thế đang sứt mẻ nghiêm trọng và Ankara đang tìm đến với Nga.

Tuy nhiên, hệ lụy đáng lo ngại nhất sau cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ chính là cuộc “trả thù” ở quy mô lớn chưa từng có của Tổng thống Erdogan.

Sau cuộc đảo chính, Ankara đã thực hiện một chiến dịch đàn áp thẳng thừng và mạnh tay nhằm vào những người bị tình nghi tham gia vào âm mưu đảo chính. Những cuộc vây bắt diễn ra khắp nơi. Kết quả là có gần 9.000 cảnh sát bị sa thải, 21.000 giáo viên bị đuổi việc, 10.012 binh lính bị bắt giữ, 2.745 thẩm phán mất việc, 21.700 nhân viên của Bộ Giáo dục bị đình chỉ công tác, 1.500 trưởng khoa các trường đại học bị ép từ chức, hơn 1.500 quan chức Bộ Tài chính bị sa thải và 100 tờ báo bị đóng cửa...

Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ trả thù thảm khốc, bắt những người mà ông gọi là “kẻ phản bội” phải trả giá đắt nhất. Ông này không loại trừ khả năng áp dụng án tử hình cho những người tham gia đảo chính.

Những gì được thể hiện qua hành động và lời nói của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua cho thấy họ sẽ ra tay không thương tiếc với những thành phần tham gia đảo chính, khiến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ tổn thất ước tính lên tới 100 tỉ USD.

Mặc dù thể hiện sử ủng hộ với đồng minh Erdogan trong cuộc đảo chính vừa rồi nhưng giới chức ở Mỹ và Châu Âu không tránh khỏi cảm giác lo ngại về chiến dịch đàn áp ác liệt mà Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện ở trong nước sau cuộc đảo chính.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc