Nga rút quân vội vã, Mỹ hoang mang?

16:57, 15/03/2016
|

(VnMedia) - Nhà Trắng đã có phản ứng ban đầu khá thận trọng trước tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đột ngột ra lệnh rút quân ra khỏi Syria.

Tổng thống Putin
Tổng thống Putin

"Chúng tôi sẽ phải xem xét xem Nga chính xác đang có ý định gì”, phát ngôn viên Nhà Trắng - ông Josh Earnest đã phát biểu như vậy vài phút sau khi ông Putin lên truyền hình tuyên bố rút lực lượng chính của Nga ra khỏi chiến trường Syria.

Tổng thống Putin hôm qua (14/3) đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc nước này bắt đầu tiến hành “rút các lực lượng quân sự chính ra khỏi nước Cộng hoà Ả-rập Syria” từ ngày hôm nay (15/3).

Thông báo đầy bất ngờ và gây sốc của ông Putin đã được đón chào với sự hoài nghi của Mỹ nhưng lại nhận được sự khen ngợi từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều lên tiếng khen ngợi quyết định rút lực lượng quân sự chính ra khỏi Syria của Tổng thống Putin, ông Ismael Gaspar Martins - Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng Ba, cho biết.

Ông Martins - người cũng là đại diện thường trực của nước Cộng hoà Angola tại Liên Hợp Quốc cho hay, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho rằng, việc Nga rút quân khỏi Syria là “một dấu hiệu tích cực”. Ông này cũng nói rằng, thông tin trên được đưa ra như là kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa hai cường quốc Nga và Mỹ. Sau sự rút quân của Nga, việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria có thể sẽ đi theo con đường mới.

Các chuyên gia cũng lên tiếng khen ngợi quyết định của ông Putin. “Tổng thống Putin vừa thông báo rút quân ra khỏi Syria. Quan điểm của ông về việc lực lượng Nga đã hoàn thành mục tiêu là điều đúng đắn”, ông Macgregor – một chuyên gia về quan hệ quốc tế đến từ Học viên Quân sự Mỹ ở West Point, hôm qua đã nhận xét như vậy.

Ông Macgregor cho rằng, ông Putin đã đánh giá chính xác những thành tựu mà lực lượng không quân của Nga đạt được trên chiến trường Syria trong 7 tháng tham gia chiến dịch hỗ trợ quân đội Syria vừa qua.

"Một mặt, ông ấy đã chặn được nỗ lực của lực lượng Hồi giáo dòng Sunni trong việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đồng thời làm dịu được căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một bước đi tuyệt vời”, ông Macgregor nói thêm.

Cũng theo vị chuyên gia trên, quyết định rút quân của Nga cũng là một bước đi được tính toán kỹ lưỡng để buộc Tổng thống Assad phải chấp nhận phương án thoả thiệp để có được hoà bình đồng thời cũng cảnh báo Iran rằng có những giới hạn mà nước cộng hoà Hồi giáo mong chờ Nga có thể làm nhân danh đồng minh Syria.

"Không nghi ngờ gì nữa, Tổng thống Putin đã ra dấu hiệu cho ông Assad rằng nếu ông này không thể tự mình tiếp tục duy trì quyền lực thì sự giúp đỡ về quân sự của Nga thêm nữa cũng chẳng giúp được ích gì. Ông Putin cũng muốn nói với đồng minh Iran rằng, có những giới hạn nhất định trong sự hậu thuẫn quân sự của Nga”, ông Macgregor phân tích.

Theo lời ông Macgregor, việc Tổng thống Putin đề ra những mục tiêu chiến lược, tập trung và rõ ràng đồng thời biết rõ khi nào rút quân nên là tấm gương tích cực để giới lãnh đạo chính trị của Mỹ noi theo.

"Giá như chúng ta có được một bộ máy lãnh đạo thông minh như vậy. Chúng ta đáng ra nên làm điều tương tự ở Iraq vào mùa thu năm 2003. Chúng ta đáng ra nên rời Afghanistan từ năm 2002. Thay vào đó, chúng ta làm trầm trọng thêm các cuộc đối đầu căng thẳng trong khu vực và trao cho Iran quyền kiểm soát Iraq. Afghanistan hiện giờ trở nên chia rẽ hơn, tham nhũng hơn và bất ổn hơn so với thời kỳ năm 2001".

Ông Doug Macgregor từng là chỉ huy và cũng là nhà chiến thuật quân sự hàng đầu của Mỹ. Trung đoàn của ông này từng tiêu diệt toàn bộ Lữ đoàn Bọc thép của Iraq chỉ trong vòng 23 phút mà chỉ bị hứng chịu một thương vong.


Ý kiến bạn đọc