Thủ tướng Ukraine tái mặt vì hứng "đòn đau" của Tổng thống

06:58, 17/02/2016
|

(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua (16/2) đã bất ngờ yêu cầu Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk từ chức, trong tình cảnh chính phủ phải đối mặt với niềm tin của dân chúng ngày càng sụt giảm nghiêm trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, cũng như vượt qua được tình trạng bất ổn sâu sắc về kinh tế.

Người dân Ukraine biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội, đòi giải tán chính phủ và yêu cầu Thủ tướng từ chức
Người dân Ukraine biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội, đòi giải tán chính phủ và yêu cầu Thủ tướng từ chức

Lời đề nghị của ông Poroshenko chắc chắn sẽ khiến cho ông Yatsenyuk không khỏi ngỡ ngàng, choáng váng bởi trong suốt 2 thời gian qua hai ông này vốn là đồng minh sát cánh bên nhau trong cuộc chiến chống lại chính quyền cũ của Tổng thống Yanukovych.

Tổng thống Poroshenko đã muốn “cắt bỏ” đồng minh Yatsenyuk trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng Ukraine ngày càng tỏ ra thất vọng, bất mãn với đội ngũ lãnh đạo thân phương Tây lên cầm quyền ở Kiev sau cuộc cách mạng Maidan năm 2014.

Quốc hội Ukraine hôm qua đã xem xét khả năng tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ sau khi nghe Thủ tướng Yatsenyuk báo cáo công việc của nội các trong năm 2015 và kế hoạch cho năm nay.

Ông Yatsenyuk với vẻ mặt lạnh lùng đã bước vào Quốc hội, chỉ vài phút sau khi Tổng thống Poroshenko đưa ra tuyên bố yêu cầu ông này từ chức. Trong phát biểu mở đầu phản ứng lời kêu gọi của Tổng thống, Thủ tướng Yatsenyuk đã nói: "Chúng tôi sẽ chấp nhận bất kỳ quyết định nào của Quốc hội. Tuy nhiên, dù quyết định nào được đưa ra, tôi yêu cầu Quốc hội, Tổng thống và giới chính khách có trách nhiệm hãy tiếp tục thúc đẩy con đường cải cách”.

Bản thân Nhà lãnh đạo Poroshenko cho biết, nội các hiện nay của Ukraine đã đạt được những bước tiến trong giai đoạn đầu nhưng kể từ đó họ đã làm mất niềm tin của các cử tri.

"Không rõ liệu có phải những cải cách thành công chỉ có thể được thực hiện bởi một chính phủ nhận được sự ủng hộ đầy đủ của người dân? Để khôi phục lại niềm tin, điều trị không còn là đủ nữa mà các bạn cần một cuộc phẫu thuật”, ông Poroshenko nhấn mạnh.

Việc Thủ tướng Yatsenyuk từ chức còn phải được thông qua bởi Quốc hội – một bước đi có thể cho thấy mức độ hài lòng của các nghị sĩ đối với nội các hiện tại.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính phủ có thể làm ảnh hưởng xấu đến việc IMF cung cấp gói giải cứu tài chính lớn nhằm giúp Ukraine phục hồi nền kinh tế đang khốn đốn cũng như đưa nước này tiến đến một sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tổng thống Poroshenko cũng có thể có sự lựa chọn là kêu gọi bầu cử sớm nếu các nghị sĩ không đưa ra vấn đề thay thế Thủ tướng Yatsenyuk trong vòng 2 tháng nữa. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố sẽ chỉ tổ chức bầu cử sớm như là “phương sách cuối cùng”.

Ông Yatsenyuk lên cầm quyền từ hồi cuối tháng Hai năm 2014. Ông này từng thừa nhận “chịu trách nhiệm về những cuộc cải cách không được lòng dân ở Ukraine trong thời gian vừa qua”. “Tôi biết tỉ lệ ủng hộ mình sẽ bị ảnh hưởng nhưng tôi lên cầm quyền không phải vì tỉ lệ ủng hộ”, Thủ tướng Ukraine đã nhấn mạnh như vậy.

Tuy nhiên, trên thực tế uy tín càng đi xuống thì sức ép đòi ông Yatsenyuk càng tăng lên. Uy tín của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã giảm đến mức tỉ lệ ủng hộ ông này chỉ còn vài % trên con số 0. Thậm chí, trong cuộc bầu cử địa phương hồi năm ngoái, đảng của ông Yatsenyuk còn không dám giới thiệu những ứng cử viên từ đảng mình tham gia tranh cử. Đã có không ít các cuộc biểu tình đòi Thủ tướng Ukraine từ chức.

Trong khi đó, quan hệ giữa Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk được cho là luôn ở tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Giới phân tích tin rằng, hai nhà lãnh đạo cao nhất của Ukraine luôn ở tư thế đối đầu với nhau. Họ không thể làm gì mà không có nhau nhưng nếu có cơ hội họ sẵn sàng loại bỏ nhau một cách không thương tiếc.


Ý kiến bạn đọc