Sửa Bộ Luật hình sự: Hạn chế áp dụng tử hình

07:26, 10/04/2014
|

(VnMedia) - Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ về định hướng sửa đổi Bộ luật hình sự.
 
Theo đó, Bộ Tư pháp nhấn mạnh định hướng giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ. Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự, đồng thời hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên.
 
Điểm quan trọng nữa trong định hướng sửa đổi Bộ Luật hình sự là mở rộng nguồn của pháp luật hình sự một cách hợp lý theo hướng một số tội phạm cụ thể có tính chất đặc thù cao và hình phạt với các tội phạm đó có thể được quy định trong các luật chuyên ngành để đảm bảo tính kịp thời và linh hoạt trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm
 
Bộ Luật cũng được sửa đổi theo hướng cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế, trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nước ta và tính khả thi.
 
Đặc biệt, Bộ Luật hình sự sửa đổi sẽ thực hiện phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành mà Bộ Tư pháp cho rằng không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của nước ta.

Ngược lại, sẽ hình sự hóa một số hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội chưa được quy định trong Bộ Luật hình sự và nội luật hóa các quy định có tính ràng buộc của các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
 
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, ông Dũng cho biết, Dự thảo luật bổ sung nhiều quy định để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi  hành án dân sự, như bổ sung quy định Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành.
 
Theo đó, tòa án chủ động ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành đối với phần bản ản, quyết định về hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí tòa án; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; thu  hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung công quỹ nhà nước…
 
Với những quy định được sửa đổi, bổ sung như trên, việc phân công trách nhiệm giữa tòa án với cơ quan thi  hành án trong việc thi hành bản án, quyết định của tòa án là rõ ràng, hợp lý, đồng thời đảm bảo để Tòa án – cơ quan thực hiện quyền tư pháp – có đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn và công cụ pháp lý để kiểm soát quá trình thi hành án; tăng cường trách nhiệm và hoàn thiện quy trình, thru tục pháp lý để Tòa án giải thích, làm rõ nội dung bản án, quyết định do mình tuyên và giải quyết các vấn đề pháp lý có liên quan trong trường hợp làm thay đổi nội dung bản án, quyết định của Tòa án…

Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp nhấn mạnh định hướng hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ Luật hình sự sửa đổi - ảnh minh họa


Sinh ra: có số định danh; 14 tuổi: có Thẻ căn cước
 
Về mối quan hệ giữa Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, việc xây dựng dự án Luật Hộ tịch và dự án Luật Căn cước công dân trong bối cảnh triển khai Đề án tổng thể Đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa hai dự án luật với nhau.
 
Theo đó, Luật Căn cước quy định nội hàm và giá trị pháp lý của Số định danh cá nhân; quy định cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên bởi theo thông lệ quốc tế cũng như lịch sử Việt Nam, căn cước công dân là các thông tin cơ bản, đặc điểm nhận dạng - những đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của công dân để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Mục đích của việc cấp, quản lý thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ của công an, góp phàn phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.
 
“Như vậy, việc cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên là phù hợp, bởi đến lứa tuổi này đặc điểm bên ngoài của cá nhân mới ổn định, cá nhân có thể tự thực hiện một số giao dịch bằng giấy tờ chứng minh nhân thân của mình mà không cần có người đại diện, đồng thời là tuổi bị chịu trách nhiệm hình sự.” – ông Trần Tiến Dũng cho biết.
 
Trong khi đó, với Luật Hộ tịch, trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành thì khi đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp – hộ tịch sẽ nhập thông tin khai sinh vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh được lấy từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được công chức Tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và trích lục khai sinh.
 
Cũng theo ông Trần Tiến Dũng, khi làm thủ tục cấp Thẻ căn cước hoặc các thủ tục hành chính khác, công dân chỉ cần thông báo số định danh cá nhân của mình (đã được ghi trong Sổ hộ tịch và trích lục khai sinh). Trường hợp cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa vận hành, khi đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp – hộ tịch nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cấp trích lục khai sinh.
 
Khi làm thủ tục cấp Thẻ căn cước sẽ phải xuất trình trích lục khai sinh. Thông tin công dân được nhập vào cơ sở dữ liệu căn cước và có số căn cước. Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu về căn cước sẽ là cơ sở dữ liệu ngành cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số căn cước sẽ là số định danh cá nhân.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc