SEA Games 27: Thể thao kiểu "hội làng"!

21:24, 29/10/2013
|

(VnMedia) - Là khu vực "vùng trũng" của thể thao châu lục lẫn thế giới, SEA Games 27 cũng không khác gì cảnh hội làng, với không ít chuyện bi hài diễn ra trước giờ khai cuộc tại Myanmar.

Quyền năng vô đối của chủ nhà

Kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 1959, SEA Games mang ý nghĩa giao lưu, tranh tài về thể thao giữa các nước trong khu vực. Thông qua các môn thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á, cũng là cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm giữa các đoàn, để hướng đến thành tích cao hơn ở tầm châu lục.

Ý nghĩa ra đời là thế, nhưng SEA Games còn tạo ra quyền năng vô đối cho nước đứng ra đăng cai. Ngoài việc lựa chọn những môn thể thao phù hợp với mình, nước đăng cai có quyền quyết định hay phủ nhận ý kiến các nước còn lại. Chưa kể để giới thiệu đặc trưng văn hóa - thể thao đất nước mình, nước đăng cai SEA Games có quyền lựa chọn những môn thể thao dân tộc vào nội dung thi đấu hay biểu diễn tại kỳ Đại hội mình tổ chức.

Thay vì đua tranh, nâng tầm phát triển ở những nội dung quan trọng các kỳ SEA Games, thể thao Đông Nam Á chỉ tính việc giành nhiều huy chương, chứ không hề nghĩ đến việc huy chương vàng các môn như leo tường, trượt patin... có thực sự ý nghĩa cho sự phát triển thể thao nước nhà lẫn khu vực hay không.

Ảnh minh họa

Chủ nhà Myanmar gây sốc khi loại nhiều môn thể thao quen thuộc tại các kỳ
Olympic khỏi nội dung tranh huy chương tại SEA Games 2013

Thế mới có cảnh trái khoáy khi những môn thể thao vô danh, mang nặng tính thể thao hội làng như: đẩy gậy, Shorinji Kempo, cờ tướng, cờ vua kiểu "Đông Nam Á"... cũng được đưa vào nội dung tranh huy chương. Hóa ra SEA Games không phải đấu trường đua tranh ai có thực tài hơn ai, mà chỉ quanh quẩn chuyện chạy đua để nước chủ nhà đoạt vị trí nhất toàn đoàn ở giải đấu tổ chức trên sân nhà mà thôi.

Như chủ nhà Myanmar dùng quyền phủ quyết của mình loại cả những môn thể thao thường xuyên có mặt ở Olympic, như bóng bàn, quần vợt, bắn súng rồi dance sport, thể dục dụng cụ ra khỏi nội dung tranh tài vì lý do khó khăn sân bãi, hay không phù hợp trang phục với phụ nữ Myanmar, mới thấy sự yếu kém, thiếu chuyên nghiệp của các nước đăng cai SEA Games.

Nước nào khi lên đăng cai cũng đều có suy nghĩ, hành động như thế. Nên từ Indonesia đến Myanmar tổ chức SEA Games 26 rồi 27 cũng tái lập chuyện cũ. Dù có phản đối ý tưởng gạch bỏ môn thể thao mang tầm Olympic chẳng hạn, các đoàn cũng chỉ làm cho lấy lệ, khi biết chắc nước chủ nhà sẽ bỏ ngoài tai mọi đề nghì. Trước thềm SEA Games 27, có lẽ chính quan chức của Liên đoàn Olympic thế giới cũng bó tay trước việc nhiều nội dung quan trọng ở hai môn "nữ hoàng" các kỳ Olympic, như bơi lội, điền kinh, cũng bị cắt xén không thương tiếc, chỉ vì chủ nhà Myanmar không mạnh ở các nội dung ấy.

Từng ấy lý do giải thích vì sao thể thao Đông Nam Á luôn bị xem là "vùng trũng" của thể thao châu Á lẫn thế giới xuất nhiều năm qua.

Những câu chuyện buồn từ bệnh hám "thành tích"

Cái chất thể thao kiểu "hội làng" ấy khiến thể thao Đông Nam Á không bao giờ phát triển, vươn xa ra tầm châu lục, thế giới cũng vì lẽ ấy. Thay vì theo đuổi tiêu chí: "cao hơn, xa hơn, mạnh hơn" ở các môn quan trọng của các kỳ Olympic, các nước đăng cai SEA Games chỉ chạy theo thành tích, hướng đến việc quảng bá thể thao nước nhà, hơn là đi vào phát triển thể thao đỉnh cao ở khu vực.

Thế mới có cảnh ở SEA Games 26, vận động viên Pencak Silat nước chủ nhà Indonesia giành huy chương vàng một cách thiếu minh bạch. Ngoài việc cắn đối thủ, bỏ chạy trước các pha tấn công của vận động viên Thái Lan, võ sĩ Indonesia còn được sự hỗ trợ từ trọng tài. Dù hoàn toàn áp đảo đối thủ, vận động viên Thái Lan rơi nước mắt vì bị xử ép trắng trợn. Đó chỉ là ví dụ minh họa cho thấy quyền năng vô đối của nước chủ nhà trong việc lựa chọn môn, giành huy chương bằng mọi cách, thì tư tưởng "đua thành tích", chạy theo kết quả làm hỏng cả ý nghĩa cao đẹp khi SEA Games ra đời.

Ảnh minh họa

Loại bớt tính thể thao "hội làng", tập trung phát triển môn thể thao Olympic,
đấu trường SEA Games mới giúp thể thao khu vực tiệm cận trình độ thế giới

Chắc chắn ở SEA Games 27, việc vận độ viên các đoàn bị xử ép khi đối mặt vận động viên nước chủ nhà chắc chắn sẽ xuất hiện. Với thói quen bất thành văn trong lịch sử các kỳ SEA Games, nước chủ nhà gần như sẽ giành vị trí nhất toàn đoàn cho dù không phải là đội mạnh nhất gần. Đây cũng là hiện tượng kìm hãm sự phát triển thể thao khu vực khó tránh khỏi.

Chỉ cần so sánh với thành tích các kỳ Asian Games hay Olympic, mới thấy khoảng trống mênh mang các đoàn thể thao Đông Nam Á đang đối diện vào lúc này. Thay vì việc nâng cao chất lượng, trình độ để tiệm cận trình độ thể thao châu lục, các đoàn thể thao Đông Nam Á vẫn chỉ mải mê chạy theo ngôi vương thể thao "vùng trũng".

Đấu trường SEA Games là ngày hội lớn nhất thể thao Đông Nam Á, nhưng tính chất "hội làng", đuổi theo thành tích vẫn ám ảnh tư duy người làm thể thao khu vực, lại là điều đáng buồn nhất sau 26 lần được tổ chức.


Đức Thọ

Ý kiến bạn đọc