Khi cảnh sát bị đánh, người dân nên làm gì?

08:39, 15/01/2015
|

(VnMedia) - Khi phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật dùng hung khí tấn công Cảnh sát đang làm nhiệm vụ thì người dân sẽ vào hỗ trợ để bắt đối tượng, vận động người dân tham gia bắt đối tượng hay không làm gì cả?

Công an bị tấn công

Ngày 3/12 công an huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ đối tượng Trần Ngọc Diệu, trú huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh để điều tra, xử lý về hành vi hiếp dâm, cướp tài sản và chống người thi hành công vụ.

Trần Ngọc Diệu là đối tượng có tiền án 11 năm tù giam về tội hiếp dâm trẻ em, mới ra tù tháng 2/2014.

Theo đó, Diệu là người làm thuê cho gia đình chị Y (SN 1976, trú tại xã Liên Hà, H. Lâm Hà, Lâm Đồng). 17h ngày 1/12, trong lúc đang hái cà phê tại vườn nhà, bất ngờ, chị Y bị Diệu bóp cổ, bịt miệng và có những hành động nhằm mục đích hiếp dâm.

Rất may lúc đó có tiếng xe máy đi qua nên Diệu từ bỏ ý định hiếp dâm nhưng lục túi của chị Y lấy đi 8 thẻ cào điện thoại, 160.000 đồng, 1 đôi bông tai và 1 điện thoại di động.

Sau đó, Diệu trở về nhà chị Y lấy xe máy biển số 49T6 – 5… bỏ trốn thì bị anh Nguyễn Văn L là người nhà của chị Y phát hiện. Anh L truy đuổi đến dốc 800 xã Tân Hà thì Diệu bỏ xe, chạy lên đồi.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.


Lúc 17h ngày 1/12, sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Lâm Hà đã huy động các lực lượng bao vây truy bắt Diệu. Đến 5h30 ngày 3/12, tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Công an huyện Lâm Hà gồm 3 anh Nguyễn Quốc Chinh, Kiều Văn Cảnh và Ngô Hữu Chí đang tuần tra tại địa bàn xã Tân Hà thì phát hiện Diệu.

Bị tổ tuần tra truy đuổi, Diệu quay lại cầm dao và gậy là cây cà phê chống trả. Tổ tuần tra đã phải bắn 2 phát súng chỉ thiên nhưng Diệu không buông hung khí.

Anh Nguyễn Quốc Chinh lao vào bắt thì bị Diệu đâm 2 nhát vào tay và bị Diệu dùng gậy đánh vào trán. Dù chống trả quyết liệt nhưng Diệu đã bị bắt ngay sau đó.

Khoảng 17 giờ ngày 8/7, hàng trăm người trên địa bàn TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã vây đánh 2 cảnh sát giao thông vì cho rằng rượt đuổi đối tượng vi phạm dẫn đến suýt tông người.

Nhiều người chứng kiến vụ việc cho biết lúc đó, 2 cảnh sát giao thông điều khiển xe đuổi theo một xe máy có dấu hiệu vi phạm. Khi đến đoạn giao nhau giữa đường Trần Hưng Đạo và Hoàng Văn Thụ, xe cảnh sát giao thông suýt tông một người đi đường. Tuy người suýt bị tông không bị thương tích nhưng ngay sau đó, hàng trăm người kéo đến đòi hành hung 2 cảnh sát giao thông trên.

  Ảnh minh họa


 Người dân vây quanh một chiến sỹ cảnh sát giao thông.


Một số đối tượng quá khích lợi dụng lúc đông người để đánh người đang làm nhiệm vụ, buộc lòng 2 cảnh sát giao thông phải gọi điện cho lực lượng CSCĐ đến giải cứu. Được biết, đây là tổ công tác thuộc lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP Kon Tum.

Bạn nên làm gì?

Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) đang tiến hành khảo sát ngẫu nhiên người dân về việc "Khi bạn phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật dùng hung khí tấn công 01 đồng chí Cảnh sát đang làm nhiệm vụ thì bạn sẽ: 1. Vào hỗ trợ đồng chí Cảnh sát bắt giữ đối tượng.2. Vận động quần chúng nhân dân tham gia bắt giữ đối tượng. 3. Không làm gì cả, vì sợ nguy hiểm đến tính mạng".

Kết quả thu được khá bất ngờ khi có 55% người được hỏi chọn phương án "vận động quần chúng nhân dân tham gia bắt giữ đối tượng". Số người dân "không làm gì cả, vì sợ nguy hiểm đến tính mạng" chỉ chiếm một thiểu số nhỏ. Phương án "vào hỗ trợ đồng chí Cảnh sát bắt giữ đối tượng" cũng chiếm tỷ lệ cao.

Ở góc độ luật pháp, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Lụât sư Hà Nội), việc người dân, đối tượng tấn công, chống người thi hành công vụ đều bị xử lý nghiêm theo quy định tại Điều 257 Bộ lụât Hình sự. Hình phạt cao nhất cho tội danh này là 7 năm tù giam.

  Theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội chống người thi hành công vụ được quy định như sau:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.”


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc