Chuyển đổi giới tính: Tại sao không?

16:12, 08/01/2015
|

(VnMedia)- Theo luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH You&Me, để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân nên đưa quyền chuyển đổi giới tính vào Luật?

>> Đưa quyền chuyển giới tính vào Luật Dân sự?
>> Tăng mức lãi suất cho vay bị truy cứu hình sự

Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân lần này có nhiều điểm mới, trong đó đáng lưu ý là việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo theo Hiến pháp và Pháp luật các quyền con người, quyền nhân thân khác về dân sự. Trong đó, đáng lưu ý tại Điều 40. Quyền xác định lại giới tính quy định: Cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định; Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định;  Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật.

Liên quan đến quyền được chuyển đổi giới tính, Điều 40 cũng đưa ra hai phương án: Phương án 1: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới; Phương án 2: Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật.

Ảnh minh họa

Liên quan đến điểm mới này, trao đổi với VnMedia, luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH You&Me, cho rằng để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân nên đưa quyền chuyển đổi giới tính vào Luật!

Cũng theo luật sư Vũ Thái Hà, trên thực tế trong khi luật chưa cho phép công dân được quyền chuyển giới thì ngày càng có nhiều người đã thực hiện việc chuyển giới ở nước ngoài về nước. Nếu không "hợp thức hoá" sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của những người này.

Được biết, Bộ Luật Dân sự hiện hành quy định 26 quyền nhân thân (từ Điều 26 - 51).

Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) tiếp tục đưa ra quy định các quyền nhân thân cụ thể (từ Điều 30 – 51), sửa đổi một số điều cho phù hợp với Hiến pháp như quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (thay cho quyền bí mật đời tư)…, đồng thời bổ sung một số quyền mới như quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống… Ngoài ra, theo Điều 51 dự thảo Bộ luật, các quyền con người, quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Về vấn đề này, hiện có hai luồng ý kiến.

Luồng ý kiến thứ nhất nhất trí với những quy định dự thảo Bộ luật đưa ra, theo đó, Bộ luật dân sự cần cụ thể hóa các quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luồng ý kiến này dựa trên một số căn cứ sau: Thứ nhất, các quy định của Hiến pháp mang tính khái quát cao, Bộ luật dân sự với tư cách là luật chung của hệ thống luật tư cần quy định cụ thể, chi tiết các quyền nhân thân đã được quy định trong Hiến pháp làm cơ sở cho các luật hoặc văn bản dưới luật khác quy định, bảo vệ các quyền nhân thân của cá nhân.

Thứ hai, việc quy định cụ thể các quyền nhân thân sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Thứ ba, việc quy định cụ thể các quyền nhân thân trong Bộ luật dân sự là truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam từ Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự 2005 và thực tiễn áp dụng cũng không cho thấy có bất cập lớn.

Luồng ý kiến thứ hai đề nghị Bộ luật dân sự không nên quy định lại các quyền nhân thân đã được ghi nhận trong Hiến pháp mà chỉ nên quy định một số quyền nhằm xác định tư cách chủ thể của các nhân trong quan hệ dân sự, như là: quyền về họ, tên, nơi cư trú và một số quyền nhân thân đặc thù không quy định cụ thể trong Hiến pháp, như là: quyền xác định lại giới tính, quyền đối với hình ảnh, quyền được khai sinh, khai tử…

Luồng ý kiến này dựa vào một số căn cứ như: Thứ nhất, việc Bộ luật dân sự quy định lại các quyền nhân thân đã được quy định trong Hiến pháp là không cần thiết. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền nhân thân, có thể áp dụng trực tiếp các quy định của Hiến pháp để giải quyết. Thứ hai, theo kinh nghiệm của một số nước, Bộ luật dân sự chỉ quy định các quyền nhân thân có liên quan trực tiếp đến việc xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự như quyền về họ, tên; quyền về nơi cư trú.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc