Đại biểu Quốc hội có quyền bất khả xâm phạm?

08:59, 08/01/2015
|

(VnMedia)- Theo quy định, đại biểu Quốc hội phải có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; được pháp luật bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể...

>> Cận cảnh 2 dự án khiến Chủ tịch Housing bị bắt giam
>> Bắt giam bà Châu Thị Thu Nga- chủ tịch Tập đoàn Housing
>> Nhiều chủ nợ vây nhà "đại gia" Châu Thị Thu Nga

Theo Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Ðại biểu Quốc hội là người được nhân dân trực tiếp bầu ra, là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.

Vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội được bắt đầu sau khi Quốc hội đã xác nhận tư cách đại biểu tại phiên họp đầu tiên của kỳ thứ nhất mỗi khóa Quốc hội. Nhiệm kỳ của Ðại biểu Quốc hội được tính từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá đó đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa sau.

Trong số các đại biểu Quốc hội có những đại biểu làm việc theo chế độ chuyên trách và có những đại biểu làm việc theo chế độ không chuyên trách.

Số lượng đại biểu Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách do Quốc hội quyết định.

Ảnh minh họa

Bà Châu Thị Thu Nga (áo đen) tại thời điểm thực hiện lệnh bắt giam.

Quyền hạn

Theo quy định, đại biểu Quốc hội có một số quyền: Quyền trình dự án luật: Quốc hội có trình kiến nghị về luật, pháp lệnh; trình dự án luật, pháp lệnh theo trình tự do pháp luật quy định; Quyền chất vấn: Ðại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan và cá nhân bị chất vấn có nghĩa vụ trả lời chất vấn.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp, chất vấn được gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội để chuyển đến cơ quan hoặc người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn. Tuỳ theo nội dung và tính chất của chất vấn, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thể quyết định người bị chất vấn phải trả lời chất vấn trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Đặc biệt, Đại biểu Quốc hội có Quyền bất khả xâm phạm. Cụ thể, Ðại biểu Quốc hội được pháp luật bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Những hành vi cản trở đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Ðại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc nếu không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Nhưng theo quy định của pháp luật, trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội để phục vụ công tác điều tra, truy tố.

Liên quan đến việc bà Châu Thị Thu Nga - Đại biểu Quốc Hội khóa 13 đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Housing bị bắt tối 7/1 để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được biết, trước khi bị bắt bà Nga bị tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đại biểu Quốc hội.
Trước bà Nga, từng có những trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố, bắt giam như các ông Mạc Kim Tôn (đại biểu Quốc hội khóa XI), Lê Minh Hoàng (đại biểu Quốc hội khóa XI).


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc