Không thể chấp nhận việc cản trở dự phiên toà!

09:14, 25/12/2014
|

(VnMedia)- Theo nhận định của luật sư, những hành động cản trở mong muốn dự phiên tòa công khai là không thể chấp nhận cần phải chấn chỉnh và có chế tài đối với hành vi cản trở việc dự khán phiên tòa công khai của người dân.

>>
Thời gian tối đa để kháng nghị giám đốc thẩm?
>> Khi nào bị cáo được vắng mặt tại phiên tòa?

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ.


Bộ Luật Tố tụng Dân sự tuy có quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự của tòa án nhưng lại không quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của TAND cũng như về thủ tục xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm, thủ tục thi hành quyết định xử phạt... Do đó, các tòa án hầu như không xử phạt được trường hợp vi phạm nào.

Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên tòa (Điều 198) trong đó có quy định chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền xử phạt người vi phạm trật tự phiên tòa. Trong đó, “người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo nhưng không làm đúng trách nhiệm của mình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...” (khoản 2 Điều 94). Tuy nhiên, các quy định nêu trên mới chỉ quy định có tính nguyên tắc chung nhất, nếu không có văn bản pháp luật cụ thể hóa thì không thể thi hành được.

Ngày 22/12/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về "Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân". Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh quy định tại Mục đ Khoản 2 Điều 9 áp dụng với báo chí với một loạt câu hỏi: “Người ta đã có thẻ nhà báo to hơn giấy giới thiệu, xuất trình rồi cho vào, vậy thì tại sao lại còn hỏi giấy giới thiệu? Đã xuất trình thẻ rồi lại còn giấy giới thiệu nữa, có phải là thủ tục hành chính phiền hà không?”

Theo dự thảo Pháp lệnh, hành vi cản trở hoạt động tố tụng của toà án nhân dân là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Hành chính, Bộ Luật Tố tụng Dân sự gây cản trở toà án nhân dân tiến hành các hoạt động tố tụng để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của toà mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý vi phạm hành chính.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cân nhắc kỹ về quy định người bị xử phạt còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Buộc rời khỏi phòng xử án; tạm giữ người; áp giải người vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; khám người; khám đồ vật… Chủ tịch đề nghị quy định những nội dung này phải rõ ràng hơn.

Kết thúc phần thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không thông qua Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân".

Dưới góc độ luật pháp cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào? 

Xét xử công khai! Thực sư công khai chưa?


Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Hiến pháp quy định "Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”

Xét xử công khai, hiểu theo đúng nghĩa là tất cả mọi người đều có quyền được biết, được theo dõi…Tòa án có nghĩa vụ tạo điều kiện cho mọi người dân muốn biết, muốn quan tâm, theo dõi có điều kiện được dự tòa, theo dõi phiên tòa… theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều phiên tòa khi tổ chức xét xử mang tiếng là công khai nhưng những người dân quan tâm, muốn được dự tòa, muốn được theo dõi diễn biến phiên tòa là điều không dễ dãng, các cấp xét xử thông qua lực lượng bảo vệ/công an tìm mọi cách ngăn cản, gây khó dễ, sách nhiễu cả với người nhà, người thân của bị can, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn…. khi muốn tham dự phiên tòa và tự đặt ra nhiều thủ tục giấy tờ nhiêu khê để gây cản trở người muốn dự khán phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cũng nhấn mạnh rằng, việc người dân quan tâm đến một phiên tòa nào đó có nhiều tác động tích cực, thông qua theo dõi diễn biến phiên tòa, người dân có điều kiện tìm hiểu các quy định của pháp luật và là một kênh thông tin tuyên truyền pháp luật rất thiết thực. Những hành động cản trở mong muốn dự phiên tòa công khai là không thể chấp nhận cần phải chấn chỉnh và có chế tài đối với hành vi cản trở việc dự khán phiên tòa công khai của người dân.

Thẻ nhà báo sao lại phải cần giấy giới thiệu?

Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, giấy giới thiệu là văn bản của một tổ chức xác nhận tư cách, vì trí công tác, chức năng nhiệm vụ, phạm vi, thời hạn, quyền hạn thực hiện công việc việc cụ thể khi liên hệ làm việc giữa cơ quan tổ chức này với cơ quan/tổ chức khác.

  Đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng trực tiếp để cản trở hoạt động tố tụng của tòa. Đối với mức phạt tiền, hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân là vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Pháp lệnh này là 40.000.000 đồng. Trong đó phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa;

b) Người dưới 16 tuổi đã được nhắc nhở nhưng vẫn vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa;

c) Ăn uống, hút thuốc, mặc trang phục, sử dụng điện thoại di động trong phòng xử án gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Tòa án mặc dù đã được nhắc nhở;

d) Bị cáo đang bị tạm giam tiếp xúc với người bào chữa hoặc người khác mà không được phép của Chủ tọa phiên tòa.



Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc