Khi nào bị cáo được vắng mặt tại phiên tòa?

10:05, 16/12/2014
|

(VnMedia) - Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án. Trong một số trường hợp, phiên tòa có thể được mở để xét xử khi bị cáo vắng mặt, một số trường hợp bắt buộc phải xử khi có mặt bị cáo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự thì bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa.

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây:  Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả; Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.

Như vậy, nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ thì tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo.

Về quy định liên quan đến bị cáo tại phiên tòa, Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn về vấn đề này như sau: “Trong trường hợp bị cáo đã được giao giấy triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên toà với lý do “bị ốm”. Tùy từng trường hợp mà tòa án quyết định như sau:  Nếu đúng là bị cáo ốm (có bệnh án, có chứng nhận của cơ sở khám chữa bệnh,…) và sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử (như phạm tội quả tang, chứng cứ đã đầy đủ rõ ràng…) Tòa án có thể tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo; Nếu sự vắng mặt của bị cáo có trở ngại cho việc xét xử (như: cần đối chất, cần kiểm tra một số tình tiết nào đó của vụ án, thì tòa án phải hoãn phiên tòa.

Nếu gia đình bị cáo thông báo cho tòa án về việc bị cáo bị ốm, nhưng không có căn cứ chứng minh là bị cáo bị ốm (như: không có bệnh án, không có chứng nhận của cơ sở khám chữa bệnh,…) thì sự vắng mặt của bị cáo là không có lý do chính đáng và bị cáo sẽ bị áp giải đến phiên tòa. Tuy nhiên, trong trường hợp vắng mặt bị cáo không trở ngại cho việc xét xử thì tòa án có thể tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cũng cho rằng, về những trường hợp vắng mặt bị cáo mà không ảnh hưởng đến kết quả tại phiên tòa, Điểm b, mục 3.2 Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Trường hợp người vắng mặt không có lý do chính đáng là bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị, thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ có thể xét xử vụ án vắng mặt họ trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 187 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

"Như vậy ngoài các trường hợp quy định tại Điều 187, khoản 2 Bộ luật tố tụng hình sự  số: 19/2003/QH11 thì tất cả các trường hợp còn lại bắt buộc khi xét xử phải có mặt bị cáo, nếu không có mặt thì phải hoãn phiên tòa", luật sư Nguyễn Văn Kiệm nói.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc