Vì sao các đối tượng "thích" mạo danh để đi lừa?

12:30, 09/01/2015
|

(VnMedia)- Việc mạo danh người nổi tiếng để lừa đảo thậm chí là dọa nạt người khác thời gian gần đây dường như không còn là chuyện lạ. Để có lợi cho bản thân, trong bất cứ tình huống nào, dù nhỏ, đối tượng lập tức đưa một mác nào đó ra để "bảo kê". Vì sao?

>> Cháu của "ông chú Viettel" và chiêu lừa tinh vi

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an TP Hà Nội) cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn nhận có “ông chú Viettel”.

Hai đối tượng bị khởi tố là Nguyễn Tuấn Anh (SN 1992, ở tổ 16 - Thị trấn Vị Xuyên - Hà Giang) và Đỗ Văn Dũng (SN 1995, ở  Vĩnh Chấp - Vĩnh Linh - Quảng Trị)

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Đỗ Văn Dũng khai nhận, tháng 10/2014, Dũng truy cập mạng internet tìm hiểu một số website nạp thẻ điện thoại khuyến mại trên mạng Internet, cách xây dựng các website, cách thức thanh toán tích hợp cổng thanh toán Gamebank để lập website lừa khách hàng nạp thẻ cào điện thoại rồi chiếm đoạt.

Hành vi mạo danh tên của cá nhân, tổ chức có uy tín để lừa đảo của hai đối tượng Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Văn Dũng khai nhận tại cơ quan điều tra không còn là chuyện lạ trong thời gian gần đây.

Ảnh minh họa

Đối tượng Nguyễn Tuấn Anh tại cơ quan điều tra

Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội câu chuyện về người đàn ông có nhiều cháu nhất Việt Nam trong trường hợp bắt cháu của ông chú ở Viettel cũng tương tự như việc một đối tượng nào đó khoe là con nuôi của bí thư thành ủy chẳng hạn, ai cần xin dự án, xin việc thì đưa tiền đây. Để có thể lừa người khác và để cho các nạn nhân ngoan ngoãn nộp tiền cho mình, các đối tượng này đã phải "núp nhờ bóng" của những người có vị trí xã hội hoặc những doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, một lý do khác khiến các đối tượng vẫn chọn lựa kiểu lừa đảo như nói trên là bởi thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên đánh vào lòng tham của chính người sử dụng nên không ít người đã bị lừa. Do số tiền bị lừa mất không lớn, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn nên rất ít người trình báo đến cơ quan công an, điều này càng tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo có dịp "tác oai, tác quái".

Về hướng xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho biết, khi sự việc được phát giác, truy xét được về số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt từ việc mạo nhận tên tuổi này, các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vị luật sư này cũng cho biết, về việc mạo danh, cơ quan điều tra sẽ xem xét đây là thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Vì thế, không đủ cơ sở và cũng không có quy định nào truy cứu hành vi này là tội gì.

"Trong vụ việc bắt "cháu của ông chú ở Viettel" mà dư luận đang vô cùng quan tâm, động cơ múc địch của các đối tượng là lừa tiền chứ không phải xúc phạm hay có âm mưu gì với Viettel. Mục đích lừa đảo cũng chính là mong muốn của các đối tượng trong các vụ mạo nhận người nhà của người có vị trí xã hội được phanh phui trước đây", luật sư Nguyễn Văn Kiệm nói.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, bằng hành vi vi phạm pháp luật của mình, các đối tượng sẽ bị truy tố về tội "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 Bộ Luật Hình sự.

Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:  Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;  Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:  Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc