Mở rộng quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Viện kiểm sát?

06:46, 27/05/2014
|

(VnMedia)- Theo những người thực hiện dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự không nên mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.Để bảo đảm thống nhất trong áp dụng, không nên quy định thẩm quyền theo hướng “điều tra các vụ án hình sự về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp” mà cần quy định cụ thể một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những tội nào.

>> Công an xã, phường không được xác minh tin báo về tội phạm?
>> Mở rộng quyền hạn điều tra của hải quan,kiểm lâm?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Cần quy định cụ thể một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, còn 2 loại ý kiến khác nhau về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cụ thể như sau:

Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị giữ nguyên thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao như hiện nay và quy định cụ thể theo hướng chỉ rõ từng tội danh của nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chỉ rõ những cơ quan tư pháp.

Loại ý kiến thứ hai: đề nghị quy định thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo hướng mở rộng, cụ thể là:

“Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra các tội phạm do cán bộ thuộc cơ quan tư pháp, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động tư pháp thực hiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân;

Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra các tội phạm do cán bộ thuộc cơ quan tư pháp, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động tư pháp thực hiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự”
  .

Về vấn đề này, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật thấy rằng, để bảo đảm quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Kết luận số 92-KL/TW là: “Giữ nguyên hệ thống tổ chức các cơ quan điều tra chuyên trách tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát quân sự trung ương như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ… Xác định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra trong Viện kiểm sát quân sự trung ương”, thì không nên mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Để bảo đảm thống nhất trong áp dụng, không nên quy định thẩm quyền theo hướng “điều tra các vụ án hình sự về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp” mà cần quy định cụ thể một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những tội nào. Bên cạnh đó, hiện nay hoạt động thi hành án hình sự chưa được xác định là hoạt động tư pháp nên quy định thẩm quyền của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo loại ý kiến thứ nhất là phù hợp. Dự thảo Luật quy định theo loại ý kiến thứ nhất và đây cũng là ý kiến của đa số các bộ, ngành.

Cơ quan điều tra và viện kiểm sát được chế ước thế nào?

Về bổ sung quy định nhằm bảo đảm sự phối hợp, chế ước lẫn nhau giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, cho đến nay, còn 2 loại ý kiến về quy định nhằm bảo đảm sự phối hợp, chế ước lẫn nhau giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, cụ thể như sau:

Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị quy định nhằm bảo đảm sự phối hợp, chế ước lẫn nhau giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát như quy định tại khoản 3 Điều 29 dự thảo Luật.

Loại ý kiến thứ hai: đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành, Viện kiểm sát chế ước tuyệt đối đối với Cơ quan điều tra theo hướng, Cơ quan điều tra phải chấp hành vô điều kiện mọi yêu cầu hoặc quyết định của Viện kiểm sát.

Về vấn đề này, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật thấy rằng, quy định như loại ý kiến thứ nhất là phù hợp vì: Thứ nhất, phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Thứ hai, vừa bảo đảm nguyên tắc chế ước, vừa bảo đảm tính độc lập, tự chịu trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra vụ án hình sự; loại bỏ những yêu cầu trái pháp luật của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát, nếu không nhất trí Cơ quan điều tra vẫn phải chấp hành nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Từ quy định này dẫn đến sự chế ước tuyệt đối của Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án và việc tuân thủ các quyết định, yêu cầu của Viện kiểm sát là trách nhiệm của Cơ quan điều tra ngay cả khi quyết định, yêu cầu của Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra không chính xác (có thể bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội). Về thực tiễn, tiếp cận với sự thật khách quan vụ án của Viện kiểm sát có điểm xuất phát như Cơ quan điều tra và dựa vào kết quả hoạt động của Cơ quan điều tra, do đó, việc có sai lầm khi đề ra các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát là điều có thể xảy ra. Bên cạnh đó, hoạt động điều tra tội phạm muốn đạt kết quả tốt cần chủ động, sáng tạo của Cơ quan điều tra qua việc thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ án gắn với thời cơ cụ thể; nhưng quy định theo pháp luật hiện hành thiếu linh hoạt, có thể loại bỏ sự sáng tạo và việc tận dụng thời cơ trong hoạt động của Cơ quan điều tra.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc