Tuần của những sự kiện pháp luật đình đám

14:15, 24/05/2014
|

(VnMedia) - Sẽ đưa đối tượng trộm cắp tài sản tại các vụ gây rối tại Bình Dương ra xét xử; cựu Đại tá Dương Tự Trọng được giảm 2 năm tù; hủy một phần bản án sơ thẩm tại đại án Vifon; xét xử "bầu" Kiên... là những sự kiện pháp luật đình đám, được dư luận đặc biệt quan tâm tuần này.

Bắt đầu xử các vụ trộm cắp liên quan đến gây rối tại Bình Dương


Theo thông tin trên Tuổi trẻ, đại diện Tòa án nhân dân thị xã Tân Uyên, Bình Dương cho biết dự kiến sáng 25-5 (chủ nhật) sẽ xét xử lưu động vụ án trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn.
Đây là một trong số những vụ án đầu tiên được đưa ra xét xử liên quan tới việc một số đối tượng lợi dụng tuần hành của công nhân Bình Dương gây ra phá hoại những ngày qua.

Ảnh minh họa

Hình ảnh công nhân tụ tập đông người biểu tình gây rối tại Bình Dương ngày 14/5 vừa qua.

Bị cáo bị đưa ra xét xử là Châu Vĩnh Tường (ngụ thị xã Tân Uyên). Vào đêm 13/5, lợi dụng tình hình lộn xộn, Tường cùng một đồng phạm tới Công ty TNHH Cao Viễn (P.Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) lấy một màn hình máy tính và một số thiết bị văn phòng, tổng trị giá hơn 5 triệu đồng. Sau đó, Tường và đồng phạm mang số đồ trên khỏi hiện trường thì bị bắt giữ. Đồng phạm của Tường còn độ tuổi vị thành niên nên không bị truy tố.

Theo ông Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, để nhanh chóng ổn định tình hình và răn đe các đối tượng phạm tội, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng điều tra, hoàn tất thủ tục và đưa ra xét xử các đối tượng phá hoại vừa qua trong vòng một tháng tới. Trong đó, vụ án nào hoàn tất điều tra trước sẽ đưa ra xét xử trước. Tới nay qua sàng lọc, công an các huyện, thị xã và Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương còn tạm giữ hình sự hơn 800 đối tượng, trong đó đã khởi tố 117 vụ án gồm 259 bị can với các hành vi “hủy hoại tài sản”, “trộm cắp tài sản”, “gây rối trật tự công cộng”...

Dương Tự Trọng được giảm 2 năm tù giam

Chiều 23/5, TAND Tối cao đã chính thức tuyên vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), trốn đi nước ngoài.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận thấy Dương Tự Trọng đã thành khẩn khai báo nên cần áp dụng điểm P khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự, xét giảm 1 phần hình phạt cho Dương Tự Trọng. Theo đó, Tòa phúc thẩm đã tuyên Dương Tự Trọng 16 năm tù, giảm 2 năm so với phiên sơ thẩm.

Ảnh minh họa

Bị cáo Dương Tự Trọng được HĐXX giảm 2 năm tù giam trong phiên tòa phúc thẩm xử ngày 22, 23/5 tại Hà Nội.

Còn với bị cáo Vũ Tiến Sơn, tòa phúc thẩm nhận thấy, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội rất tích cực, thống nhất ý chí với Dương Tự Trọng trong suốt quá trình đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn. Do đó, bản án 13 năm tù dành cho Vũ Tiến Sơn là thỏa đáng, tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

Đối với các bị cáo Đồng Xuân Phong (sơ thẩm 7 năm tù), Trần Văn Dũng (8 năm tù), Nguyễn Trọng Ánh (6 năm tù), HĐXX cũng cho rằng với vai trò, tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo này, mức án trên là không nặng. HĐXX không có căn cứ để giảm án cho các bị cáo.

Xét đơn kháng cáo kêu oan của Phạm Minh Tuấn, HĐXX cho rằng, bị cáo Tuấn nằm trong kế hoạch đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn. Bị cáo bị tuyên phạt là có cơ sở, bị cáo không bị oan. Tòa phúc thẩm nhận thấy không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của Phạm Minh Tuấn.

Hủy một phần bản án sơ thẩm tại phiên phúc thẩm vụ tham nhũng tại Công ty Vifon

Ngày 19/5, phiên phúc thẩm vụ tham nhũng tại Công ty Vifon đã kết thúc sau gần 1 tuần xét xử và nghị án.
Theo đó, chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với bị cáo Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền, nguyên Tổng và Phó Tổng Giám đốc Công ty Vifon về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Hội đồng xét xử đã tuyên bác kháng cáo kêu oan của 2 bị cáo này, đồng thời giữ nguyên án tù 20 năm đối với Nguyễn Thanh Huyền về tội “Tham ô tài sản”; y án 15 năm tù đối với Nguyễn Bi về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc Nguyễn Thanh Huyền phải bồi thường cho Bộ Công Thương 9,8 tỷ đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt từ Công ty Vifon trong giai đoạn cổ phần hóa.

Hội đồng xét xử cũng đã chấp nhận một phần kháng cáo xin xem xét trách nhiệm hình sự của Dương Thị Mẫn (nguyên nhân viên kế toán thanh toán), giảm từ 7 năm tù xuống còn 5 năm tù đối với bị cáo này về tội “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Ka Thị Thu Hồng (nguyên thủ quỹ, án tù 7 năm) và Đàm Tú Liên (nguyên kế toán trưởng, án tù 8 năm), Hội đồng xét xử đã tuyên bác, giữ nguyên các mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên.

Cũng trong vụ án này, đại diện hiện nay của Công ty Vifon (đang là 100% vốn tư nhân) có kháng cáo đòi lại 290.000 USD từ quỹ phúc lợi của Công ty Vifon giai đoạn 100% vốn Nhà nước. Tuy nhiên, kháng cáo nói trên đã không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Đại án "bầu" Kiên: Hé lộ những sơ hở bất ngờ

Tham dự tòa với vai trò người có nghĩa vụ liên quan, Huỳnh Thị Huyền Như, người đã chiếm đoạn gần 719 tỷ đồng do ngân hàng ACB gửi cho biết, mình không có quan hệ với bà Huỳnh Thị Bảo Ngọc. Giữa năm 2011, chị Ngọc (nhân viên ACB) liên hệ, đề nghị gửi tiền tại VietinBank với lãi suất thỏa thuận. Chị Ngọc đưa ra mức lãi suất trong hợp đồng quy định là 14%, phần chênh lệch ngoài hợp đồng thì tùy theo từng kỳ hạn, từng số tiền. Vào thời điểm đó VietinBank không có chủ trương nào huy động vượt trần lãi suất, chỉ quy định 14%. Và đến mãi sau này Như mới biết là tiền đó của ACB.

Ảnh minh họa

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo lời khai của Huyền Như, lúc đó bị cáo chỉ báo lại với lãnh đạo là 1 số khách hàng muốn gửi 14% và có yêu cầu hoa hồng. Lãnh đạo chi nhánh đã không giải quyết hoa hồng đó. Tuy nhiên, Huyền Như vẫn vẫn đồng ý với chị Ngọc và đã trích trực tiếp hoa hồng từ tiền cá nhân của mình. Theo Huyền Như việc bỏ tiền túi ra là đã có mục đích chiếm đoạt số tiền này từ trước.

Cũng theo Huyền Như, theo quy chế của NHNN, khách hàng mở tài khoản phải đến trực tiếp ngân hàng làm thủ tục để nhân viên ngân hàng đối chiếu các thủ tục pháp lý, năng lực hành vi. Nhưng các khách hàng của chị Ngọc không thực hiện đúng quy trình đó mà chỉ cung cấp số CMND rồi ký hoàn tất bổ sung.

"Đó chính là là sơ hở để tôi có thể trích chuyển tiền đi" - Huyền Như nói.

Ngoài ra, cũng theo Huyền Như cho biết, khi ký kết hợp đồng tiền gửi, bên chị Ngọc cũng không có bất cứ phản hồi nào mà cứ thế tiến hành. Hợp đồng tiền gửi có thể ký sau khi tiền về tài khoản và thủ tục mở tài khoản. Mặt khác, sau khi tiền về tài khoản, chủ tài khoản có quyền kiểm tra số dư và yêu cầu ngân hàng thực hiện các dịch vụ của mình. Nếu phát hiện tài khoản đã bị sử dụng sai mục đích thì khách hàng báo ngay ngân hàng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh rủi ro. Nhưng khách hàng bên chị Ngọc không có động thái đó.

"Khi tiền về tôi tự động trích vào tiền gửi tiết kiệm. Chị Ngọc không quan tâm đến việc tôi trích tài khoản làm gì, chỉ quan tâm đến số tiền, lãi suất. Đó cũng là điều kiện để tôi có thể chiếm đoạt số tiền trôi chảy. Tôi đã lập sổ tiết kiệm rồi dùng sổ tiết kiệm đó để thế chấp vay và chuyển tiền. Có những sổ tiết kiệm do tôi tự tất toán và chuyển tiền đi thông qua chữ ký giả và hợp đồng giả” - lời của Huyền Như.

Tại phiên tòa, Huỳnh Thị Huyền Như tự nhận trách nhiệm về số tiền chiếm đoạt 718 tỷ đồng. Như cho rằng, việc chiếm đoạt số tiền của ACB là do ý thức chủ quan của Như và lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank hoàn toàn không biết việc này.

================

Theo báo cáo của Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, kết quả khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm 2013, cho thấy, Cơ quan điều tra đã khởi tố 275 vụ/601 bị can về các tội danh tham nhũng; trong đó, các tội về tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lạm quyền trong khi thi hành công vụ chiếm tỷ lệ cao; Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 293 vụ/675 bị can về các tội tham nhũng;  Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 271 vụ/566 bị cáo về tội tham nhũng.
Tiến độ, chất lượng hoạt động điều tra các vụ án tham nhũng từng bước được đẩy mạnh.

Theo quy định của pháp luật, các vụ vi phạm pháp luật, đều sẽ được xử lý nghiêm minh. Đây là sự quyết tâm của tất cả các cấp, ngành. Báo cáo tại Quốc hội về những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, ma túy, mua bán người; kiên quyết triệt phá các băng nhóm tội phạm. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra trọng tải phương tiện, xử lý nghiêm các vi phạm.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc