Công an xã, phường không được xác minh tin báo về tội phạm?

14:53, 26/05/2014
|

(VnMedia)- Trong quá trình xây dựng dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, có ý kiến đề nghị không quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an có trách nhiệm kiểm tra, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm. Vậy có nên không?

>> Mở rộng quyền hạn điều tra của hải quan,kiểm lâm?

Công an xã có xác minh tin báo về tội phạm?

10 năm qua, lực lượng công an các cấp đã thực hiện khá tốt việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án Luật tổ chức cơ quan hình sự khi bàn đến vấn đề bổ sung quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm, phân loại và chuyển ngay Cơ quan điều tra có thẩm quyền đã có 2 loại ý kiến về bổ sung quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an trong dự thảo Luật, cụ thể như sau:

Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm, phân loại và chuyển ngay Cơ quan điều tra có thẩm quyền những tố giác, tin báo về tội phạm có dấu hiệu của tội phạm; quy định Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận, tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, thu giữ, bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Loại ý kiến thứ hai: đề nghị không quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an có trách nhiệm kiểm tra, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ.

Sau khi nghiên cứu, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật thấy rằng, cần quy định theo loại ý kiến thứ nhất, vì các lý do sau:

Thứ nhất, Công an phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an là lực lượng Công an chính quy, được đào tạo về pháp luật và nghiệp vụ điều tra, có đủ trình độ, năng lực về pháp luật và nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm;

Thứ hai, theo nhận định của cơ quan chủ trì xây dựng dự án luật, không xác định Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an là cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự mà chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm, phân loại và chuyển ngay cơ quan điều tra có thẩm quyền. Quy định theo hướng này phù hợp với yêu cầu thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay, vì Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an là lực lượng gần dân nhất, được tổ chức tại tất cả các địa bàn trên cả nước, mọi vụ việc liên quan đến pháp luật hầu hết nhân dân đều đến Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an để trình báo. Kết quả tổng kết thực tiễn cho thấy, các cơ quan, đơn vị này tiến hành thu thập, lập hồ sơ ban đầu (như hoạt động điều tra) đối với các vụ việc hình sự quả tang, các vụ việc hình sự đơn giản, đã rõ đối tượng (chiếm tỉ lệ khoảng 80% các vụ việc hình sự) sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra tiến hành thụ lý điều tra. Hiện nay, do pháp luật chưa quy định nên kết quả hoạt động hỗ trợ điều tra ban đầu của Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an trên thực tế chưa được thừa nhận là tài liệu tố tụng, dẫn đến khó khăn, tốn kém, lãng phí thời gian trong điều tra, xử lý tội phạm;

Thứ ba, quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an có trách nhiệm kiểm tra, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm, phân loại để chuyển cơ quan điều tra sẽ bảo đảm tính kịp thời trong đấu tranh chống tội phạm, góp phần giảm tải ở các cơ quan điều tra;

Thứ tư, về thẩm quyền của Công an xã trong việc tiếp nhận, phân loại các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh trật tự trên địa bàn xã, lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật đã được quy định tại Điều 9 Pháp lệnh Công an xã và thực tiễn cho thấy, việc quy định thẩm quyền này của Công an xã là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và đang phát huy hiệu quả trên thực tế. Việc quy định trách nhiệm của Công an xã trên cơ sở kế thừa những quy định của Pháp lệnh Công an xã sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho lực lượng này trong khi thi hành công vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn;

Ngoài ra, theo nhận định, quy định này không trái với chủ trương “sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng Cơ quan điều tra” theo Kết luận số 92-KL/TW.

Trợ lý điều tra nên giao cho ai?

Cũng theo cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, cho đến nay, còn 2 loại ý kiến về trợ lý điều tra, cụ thể như sau:

Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị chức danh Trợ lý điều tra chỉ bổ nhiệm ở Cơ quan điều tra, không bổ nhiệm ở cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Loại ý kiến thứ hai: đề nghị bổ nhiệm chức danh Trợ lý điều tra ở cả Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Sau khi nghiên cứu, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật thấy rằng, để được bổ nhiệm Điều tra viên phải có thời gian làm công tác pháp luật nhất định (4 năm) và có khả năng làm công tác điều tra hình sự; vì vậy, cần bố trí cán bộ giúp việc cho Điều tra viên ở Cơ quan điều tra để họ có quá trình tiếp xúc, thực hiện các yêu cầu công việc trong quá trình điều tra để học việc nhằm tạo nguồn Điều tra viên và họ thực hiện một số hoạt động điều tra mang tính chuyên trách và thực tế đã cho thấy, cán bộ giúp việc cho Điều tra viên đã thực hiện được nhiều công việc theo năng lực và kiến thức, giúp Điều tra viên giải quyết các vụ án được nhanh chóng, thuận lợi. Còn ở cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì cán bộ được phân công giúp Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo vụ việc, làm việc kiêm nhiệm, số lượng vụ án khởi tố điều tra không nhiều, mọi tài liệu, chứng cứ thu thập cần phải do Thủ trưởng chịu trách nhiệm ký, đóng dấu xác nhận; vì vậy, không nên bổ nhiệm chức danh Trợ lý điều tra ở các cơ quan này là phù hợp.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc