Bất cập những ngày đầu phạt xe không chính chủ

08:42, 24/04/2013
|

(VnMedia)- Sau một tuần thực hiện việc xử phạt xe không chính chủ, đã phát sinh vướng mắc trong việc giải quyết trường hợp chủ phương tiện đăng ký sang tên là học sinh, sinh viên, bộ đội, công an xin xác nhận của công an phường hiện rất khó nên cần phải có cách giải quyết cụ thể.

>>
Từ hôm nay, phạt xe không chính chủ
>> Người dân đã tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông? 
>> Đã có 24 chủ xe biển ngoại giao nộp lại đăng ký  
>>
Chuyện lạ cảnh sát nhẹ nhàng xin lỗi người dân!  

Vừa thực hiện đã phát sinh vướng mắc

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt, từ 15/4 đến 20/4, cả nước đã có 2487 xe ô tô đăng ký mới nhưng xe ô tô đăng ký sang tên trong tỉnh, thành phố lên tới 5526 xe (trong đó riêng Hà Nội là 1604; Thành phố Hồ Chí Minh là 1086 xe); xe ô tô sang tên di chuyển ngoại tỉnh là 1845 xe (Hà Nội là 649 xe, Thành phố Hồ Chí Minh là 633 xe).

Thống kê tại các điểm đăng ký mô tô, lưu lượng người đến làm thủ tục từ ngày 1/4/2013 tăng 1,5 đến 2 lần so với thời gian trước 1/4/2013, trong đó chủ yếu làm thủ tục sang tên.

Ảnh minh họa

Sau một tuần triển khai thực hiện việc sang tên đổi chủ với phương tiện ô tô, xe máy đã phát sinh nhiều bất cập. Ảnh minh họa


Tuy nhiên, theo một cán bộ Phòng Hướng dẫn đăng ký và quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ- Cục CSGT đường bộ, đường sắt, hơn 1 tuần sau khi thực hiện việc sang tên đổi chủ cho các chủ phương tiện theo Thông tư 12 và xử phạt xe không chính chủ theo Thông tư 11 đã phát sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Cụ thể, theo Thông tư 12, “đối với trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe, Cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên xe, kiểm tra đủ thủ tục quy định, thu giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe; viết giấy hẹn cho người sử dụng xe. Giấy hẹn do lãnh đạo cơ quan đăng ký xe ký, đóng dấu và có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày chờ cơ quan đăng ký xe trả kết quả”. Nhưng nhiều người băn khoăn là liệu khi tham gia giao thong trên đường với chiếc xe không biển số thì có bị phạt hay không?

Ngoài ra, vị cán bộ này cũng chia sẻ hiện đã phát sinh vướng mắc trong việc giải quyết trường hợp chủ phương tiện đăng ký sang tên là học sinh, sinh viên, bộ đội, công an xin xác nhận của công an phường hiện rất khó nên cần phải có cách giải quyết cụ thể.

Trường hợp xe mất cắp, chủ xe không trình báo hoặc trình báo không  kịp thời, không đúng cơ quan có thẩm quyền… do đó không có trong dữ liệu xe mất cắp, khó khăn cho công tác quản lý xe.

Bên cạnh đó, với trường hợp quá 30 ngày chủ xe chưa làm thủ tuc đăng ký chuyển quyền sở hữu theo Thông tư 36 thì xử phạt hành chính theo Thông tư 11 nhưng theo Thông tư 12 thì không bị xử phạt. Do vậy, có trường hợp đã lợi dụng khai báo làm thủ tục theo Thông tư 12.

Về những vấn đề này, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng hướng dẫn đăng ký và quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho biết hiện Cục CSGT đường bộ, đường sắt đang tập hợp báo cáo từ các địa phương, qua đó sẽ rà soát những vấn đề vướng mắc phát sinh để đề xuất hướng giải quyết cụ thể.

Quy trình sang tên đổi chủ

Theo quy định tại Thông tư 12, thủ tục để làm việc này khá đơn giản. Đó là với trường hợp người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng, hồ sơ gồm:

Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) nơi người đang sử dụng xe thường trú; Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định; Chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng; Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe).

Trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe, hồ sơ gồm:

Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu), có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú; Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định; Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe).

Ngoài ra, Thông tư số 34 ngày 28/3/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 124 hướng dẫn về lệ phí trước bạ cũng quy định rõ: “Trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người được giải quyết đăng ký xe theo quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BCA ngày 01/3/2013 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về đăng ký xe thì hồ sơ kê khai nộp lệ phí trước bạ là hồ sơ hợp pháp để đăng ký quyền sở hữu, sử dụng xe bao gồm các giấy tờ theo quy định của Bộ Công an và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (trừ chứng từ nộp lệ phí trước bạ)” đã giải quyết những khúc mắc về việc tính lệ phí.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc