Người dân đã tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông?

12:21, 23/04/2013
|

(VnMedia)- Để hợp tác với lực lượng cảnh sát giao thông trong việc điều tiết trật tự an toàn giao thông trên đường, người dân cần có thói quen tuân thủ pháp luật...

Trong số các luật đang được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, có lẽ Luật Giao thông là bộ Luật thường xuyên bị người dân vi phạm nhất. Nếu ai đó tỏ ý nghi ngờ về điều này, có thể nhìn vào con số tổng kết số vi phạm trật tự an toàn giao thông trong quý I/2013.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, trong quý I, lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý 1.224.618 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; kho bạc Nhà nước thu 648 tỷ 714 triệu đồng; tạm giữ 6.186 xe ôtô, 151.573 xe môtô.

 Ảnh minh họa


 Ảnh: Minh hoạ


Điều cần nhấn mạnh là, so với cùng kỳ năm 2012, số trường hợp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ tăng 121.822 trường hợp, tiền phạt tăng 300 tỷ 388 triệu đồng. Trong khi đó, để giảm thiểu tối đa những vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải đã thường xuyên có văn bản, chỉ đạo hành động. Thậm chí, trước các dịp nghỉ lễ kéo dài, Tết Nguyên đán Thủ tướng Chính phủ luôn luôn có Công điện gửi các ngành liên quan tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các đợt nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5. Công điện nêu rõ, cuối tháng 4 và đầu tháng 5 năm nay tập trung nhiều ngày nghỉ Lễ (Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4-1/5), thời điểm này cũng diễn ra nhiều hoạt động khai trương mùa du lịch hè 2013. Nhu cầu đi lại của người dân tăng lên, dẫn đến tăng mật độ phương tiện tham gia giao thông, nhất là trên một số tuyến đường, tại một số khu vực tập trung.

Để hạn chế tối đa tai nạn và ùn tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng phối hợp và khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông.

Tập trung kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông như chạy quá tốc độ quy định; đi sai phần đường, làn đường; chở quá tải và số người quy định; vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy; sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật... Trọng điểm là các tuyến quốc lộ: 1, 5, 14, 18, 51 và một số điểm du lịch tập trung trên địa bàn. Hạn chế tối đa và ngăn chặn tai nạn đối với xe chở khách, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng; có biện pháp ngăn chặn tình trạng đua môtô trái phép tại các đô thị lớn.

Để thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, sẽ có một cuộc ra quân rầm rộ của các ngành. Tuy nhiên, nhiệm vụ của lực lượng chức năng chỉ có thể hoàn thành nếu có sự hợp tác của người dân - những người tham gia giao thông trực tiếp trên đường.

Trên thực tế, đã và đang có hiện tượng người dân tự quyền cho phép mình thích hành xử theo ý mình khi đi trên đường, khi gặp sự cố trên đường hay khi bị lực lượng chức năng dừng xe để xem xét xử lý vi phạm.

Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, các diễn đàn và các trang bị máy móc có sẵn, những vi phạm của cả người dân và lực lượng chức năng đều được đưa lên mạng Internet. Và ngay lập tức sẽ có những phản hồi cổ vũ cho cả những hành vi vi phạm của người dân. Trong đó, đáng chú ý nhất là những vi phạm phát sinh khi bị lực lượng chức năng dừng xử phạt trên đường.

Trao đổi với VnMedia, Trung tá Lương Đình Hợi, Đội tuyên truyền và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội cho rằng, nếu bị CSGT dừng phương tiện trên đường, người tham gia giao thông phải có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ chứ không phải được quyền làm gì.

Theo đó, nếu bị CSGT yêu cầu dừng xe, người điều khiển phương tiện cần phải chấp hành, xuống xe và xuất trình giấy tờ theo đúng quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

Trung tá Lương Đình Hợi đặc biệt nhấn mạnh rằng, người điều khiển phương tiện cần xuống xe và hợp tác với CSGT, không nên ngồi trên xe rồi hất hàm hỏi ngay: "Tôi đi đúng luật sao lại dừng xe của tôi?". Bởi, khi một phương tiện nào đó nhận được hiệu lệnh dừng xe của CSGT chắc chắn phải có lỗi gì đó. Khi người điều khiển phương tiện xuống xe, sẽ được CSGT thông báo lỗi vi phạm cụ thể.

Luật sư Phạm Hồng Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội từng nói rằng, cảnh sát là lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính các công dân, của chính người dân. Thế cho nên về nguyên tắc, chúng ta không được xem xét và nhìn nhận cảnh sát như một lực lượng đối trọng với người dân mà phải nhìn nhận họ là những người đang thực thi công vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của xã hội. Nếu như nhìn nhận một cách đúng đắn như vậy thì trong bất kỳ một trường hợp nào, người dân cần thiết phải hợp tác với cảnh sát. Kể cả trong trường hợp cảnh sát có những hành xử không đúng thì người dân có trách nhiệm phê bình và chỉ ra cái sai.

Có lẽ biện pháp giải quyết tối ưu nhất để ngăn ngừa những hành vi vi phạm giao thông chính là việc người dân hình thành thói quen tuân thủ pháp luật khi lưu thông trên đường. Việc tuân thủ pháp luật của người dân cũng giúp đỡ rất nhiều cho lực lượng chức năng để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc