Bạn thuộc kiểu người dùng nào trên Facebook?

17:00, 06/07/2017
|

(VnMedia) - Trung bình mỗi ngày có 1,28 tỷ người kiểm tra Facebook của mình. Hàng tháng con số này là gần 2 tỷ người. Và theo một ước tính gần đây, người dùng Facebook trung bình dành 35 phút mỗi ngày trên nền tảng này và nếu nhân lên tổng số người dùng thì sẽ ra một con số khổng lồ.

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố bởi bộ ba giáo sư truyền thông thuộc đại học Brigham Young (Mỹ) khám phá lý do tại sao.

"Điều gì đã khiến nền tảng truyền thông xã hội này chiếm lĩnh thế giới?", Tom Robinson, tác giả chính của nghiên cứu đặt câu hỏi. "Tại sao mọi người sẵn sàng trưng bày cuộc sống của họ trên nền tảng này? Liệu có ai đã từng thực sự đặt câu hỏi "Tại sao bạn thích làm điều đó?""

Dựa trên một số cuộc khảo sát phản hồi về chủ đề trên, nhóm nghiên cứu đã xác định ra 4 kiểu người sử dụng Facebook: Người thích gắn kết (relationship builders); mõ làng (town cries), người thích tự sướng (Selfies) và quan sát viên (window shoppers).

Kiểu thích gắn kết (relationship builders) thường đăng bài và trả lời các bài đăng của người khác một cách tích cực. Họ sử dụng các tính năng bổ sung của Facebook chủ yếu để củng cố các mối quan hệ tồn tại không phải thế giới ảo. "Họ sử dụng Facebook như một phần mở rộng của cuộc sống thực, với gia đình và những người bạn trong đời sống thực", Robinson nói. Những người trong nhóm này đã xác định rõ ràng những tuyên bố như "Facebook giúp tôi thể hiện tình yêu với gia đình và để cho gia đình thể hiện tình yêu với tôi".

Mặt khác, những người thuộc nhóm "mõ làng" (town cries) duy trì một khoảng cách lớn hơn nhiều giữa thế giới thực và thế giới ảo của họ. Robinson nói: "Không quan tâm đến việc chia sẻ hình ảnh, câu chuyện hoặc thông tin khác về bản thân họ, họ muốn thông báo cho mọi người về những gì đang diễn ra. Giống như những mõ làng của những ngày xa xưa, "họ muốn lan tỏa thông tin." Họ đăng lại các tin tức, tuyên bố các sự kiện - nhưng họ lại ít nói về bản thân, thích cập nhật gia đình và bạn bè thông qua các phương tiện khác.

Kiểu người thích tự sướng (Selfies) sử dụng Facebook để tự quảng cáo bản thân. Giống như kiểu người thích gắn kết, họ đăng ảnh, video và viết bài cập nhật trạng thái - nhưng khác với kiểu người thích gắn kết, họ tập trung vào việc thu hút sự chú ý, lượt thích và bình luận. Nghiên cứu những người trong nhóm này càng nhận được nhiều thông báo về lượt thích hay bình luận, họ càng cảm thấy được thỏa mãn. Kiểu người Selfies thường sử dụng nền tảng Facebook để xây dựng một hình ảnh cá nhân hấp dẫn theo cách của họ, bất kể là điều đó có chính xác hay không.

Kiểu người "quan sát viên" (windows shoppers) cũng giống như kiểu người "mõ làng", họ có nhu cầu lướt Facebook nhưng ít khi đăng thông tin cá nhân. Nhưng không giống kiểu người "mõ làng" họ lướt facebook vì đây là nền tảng mà họ có thể biết được người khác đang làm gì, đó là phương tiện truyền thông xã hội có độ phủ cao và đông người tham gia". Kiểu người này được nhận diện với tuyên bố như "Tôi có thể tự do nhìn vào hồ sơ Facebook của người mà tôi quan tâm, nhờ đó tôi có thể biết về sở thích và tình trạng mối quan hệ của họ".

Đối với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã biên soạn một danh sách 48 câu xác định những lý do tiềm năng khiến mọi người sử dụng Facebook. Các đối tượng tham gia khảo sát cần trả lời các câu hỏi đưa ra, từ đó phản ánh mối quan hệ cá nhân của họ với những ý tưởng, sau đó đánh giá từng câu trên một thang đánh giá "giống tôi nhất" cho đến "không giống tôi nhất". Cuối cùng, các nhà nghiên cứu phỏng vấn từng đối tượng để hiểu sâu hơn về cách đánh giá của họ.

Mặc dù các nghiên cứu liên quan đến Facebook trước đó đã khám phá ra kiểu người thích gắn kết và kiểu người thích tự sướng. Nhưng chưa thấy nghiên cứu nào nhắc đến kiểu người "mõ làng" và "quan sát viên" mặc dù nhóm này cũng hết sức phổ biến.

Trong thực tế, người dùng Facebook có thể được xác định ở một mức độ nào đó thuộc về nhiều hơn một kiểu. Nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết mọi người dùng đều có ít nhất một số xu hướng selfie. "Các phương tiện truyền thông xã hội thâm nhập khá sâu vào đời sống hiện nay. Và hầu hết mọi người không nghĩ về lý do tại sao họ muốn chia sẻ điều đó trên mạng xã hội. Điều cuối cùng nghiên cứu muốn nói đến là nếu mọi người có thể nhận ra thói quen của họ, thì ít nhất sẽ tạo ra nhận thức nhất định.

Nguyên An (Theo ScienceDaily)


Ý kiến bạn đọc