Tăng huyết áp: Nhiều bệnh nhân bị tàn phế do "lơ là"

06:44, 18/05/2015
|

(VnMedia) - Theo một điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh/TP của nước ta thì tỉ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%. Nghĩa là cứ bốn người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp.

GS-TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án phòng chống tăng huyết áp cho biết, nhiều người dân hiện nay coi thường bệnh tăng huyết áp vì cho rằng nó không thật sự nguy hiểm.

GS-TS Nguyễn Lân Việt cảnh báo, chính sự “lơ là” về bệnh này đã làm cho rất nhiều bệnh nhân phải gánh chịu những hậu quả nặng nề như tử vong, suy tim, suy thận, liệt nửa người…

Theo GS Việt tăng huyết áp đang trở thành một vấn đề thời sự vì sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh này trong cộng đồng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có khoảng 1,5 tỉ người trên thế giới bị tăng huyết áp và có tới 9,4 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới tử vong do nguyên nhân trực tiếp là tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là “Kẻ giết người số một”. Tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong.

Chỉ có một số ít các bệnh nhân tăng huyết áp là có một vài triệu chứng cơ năng gợi ý cho họ đi khám bệnh như: đau đầu, chóng mặt, cảm giác “ruồi bay”, mặt đỏ bừng, ù tai,…

Đa số các bệnh nhân thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Nhiều khi, lúc thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì tiếp ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc đời của họ do đã bị xuất huyết não nặng nề.

Cũng theo GS-TS Việt, mặc dù chúng ta đã hiểu rõ sự phổ biến trong cộng đồng và mức độ nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp, nhưng cho đến tận bây giờ vẫn tồn tại ba nghịch lý trong bệnh tăng huyết áp.

- Bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo huyết áp khá đơn giản) nhưng người ta thường lại không biết mình bị tăng huyết áp từ bao giờ.
- Bệnh có thể điều trị được nhưng số người bị tăng huyết áp được điều trị lại không nhiều.
- Bệnh có thể khống chế được tới huyết áp mục tiêu mong muốn, nhưng số người điều trị đạt được huyết áp mục tiêu” lại không nhiều.

Theo GS-TS  Việt, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh tăng huyết áp. Vấn đề phụ thuộc vào chính bản thân của mỗi người.



Ảnh minh họa
Bệnh nhân có nguy cơ tàn phế do chủ quan về bệnh huyết áp cao.
Ảnh minh họa.



Bệnh tim mạch không loại trừ ai

Bệnh lý tim mạch có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội, không loại trừ người trẻ tuổi, nam giới, phụ nữ hay trẻ em. Theo Tổ chức Y tế thế giới:

- Nguyên nhân tử vong do bệnh lý tim mạch nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong do 3 loại bệnh lý là HIV/AIDS, sốt rét và lao.
- Cứ 3 phụ nữ tử vong thì có 1 người tử vong là do bệnh lý tim mạch.
- Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra bị mắc các bệnh tim bẩm sinh.

Ở Việt Nam hiện nay, mô hình bệnh tật đã có những thay đổi to lớn. Các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh tim mạch đang có khuynh hướng tăng lên rõ rệt:

Những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu là: bệnh lý tim mạch đặc biệt là tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch mạch não và ung thư. Trong đó, các bệnh lý tim mạch chiếm vị trí đứng đầu.

Bệnh lý Nhồi máu cơ tim, một biến chứng nguy hiểm thường gặp của Tăng huyết áp, cũng có khuynh hướng trẻ hóa, thậm chí có những thanh niên 28, 30 tuổi đã mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Bên cạnh đó, biến chứng phình tách thành động mạch chủ do Tăng huyết áp cũng được phát hiện ngày càng nhiều. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong có thể tăng tới 50% trong 24 giờ đầu tiên nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời…

Biện pháp phòng tránh bệnh tăng huyết áp

-Giảm cân nặng (nếu thừa cân).
-Không hút thuốc lá, thuốc lào.
-Không ăn nhiều chất béo bão hòa.
-Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn).
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
-Hạn chế uống rượu bia.
-Tránh lo âu, căng thẳng, nên tự tạo cho mình một cuộc sống thanh thản, vui vẻ.
- Kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình.
- Kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ đó.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc