Bệnh không lây nhiễm đang gia tăng ở mức báo động

14:38, 15/05/2015
|

(VnMedia) Bệnh không lây nhiễm tại nước ta đang gia tăng ở mức báo động, chiếm 71% gánh nặng bệnh tật và chiếm 75% tổng số ca tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh đường hô hấp mạn tính là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, tử vong do những bệnh này nhiều hơn so với tất cả các nguyên nhân khác kết hợp lại.

Các bệnh không lây nhiễm phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu-bia và chế độ ăn không hợp lý.

Mỗi năm, ước tính Việt Nam có khoảng 500.000 ca tử vong, trong đó 75% là do các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ mắc cao là ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản…

  Ảnh minh họa

 Bệnh không lây nhiễm gia tăng. Ảnh minh họa.



Bệnh không lây nhiễm có thể phòng tránh được

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, 
các bệnh không lây nhiễm hiện nay là gánh nặng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, thậm chí tình trạng bệnh không lây nhiễm đang có xu gia tăng ở nước ta tới mức báo động.

GS Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, hầu hết các bệnh không lây nhiễm không thể chữa khỏi, khi đã mắc thì sẽ phải điều trị suốt đời.
Tuy nhiên, những bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ, như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực…

Theo các nghiên cứu khoa học, nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ này sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh về tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% các bệnh ung thư.

Bệnh không lây nhiễm có thể được giảm đáng kể với hàng triệu người được cứu sống và những đau đớn do bệnh tật có thể tránh được thông qua giảm thiểu những yếu tố nguy cơ và tăng cường hệ thống y tế, tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để quản lý và chăm sóc cho người đã mắc bệnh không lây nhiễm. 

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quá trình triển khai chính sách về phòng chống bệnh không lây nhiễm của Việt Nam chậm hơn so với quốc tế. Do vậy, Bộ Y tế cần có các hoạt động thúc đẩy các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm, phải “giải quyết ngay từ bây giờ, chờ vài năm nữa việc đối phó sẽ càng thêm vất vả”.

Năm 2011, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên họp đặc biệt về các bệnh không lây nhiễm. Điều này cho thấy gánh nặng rất lớn của bệnh không lây nhiễm đối với hệ thống an sinh xã hội, nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, thời gian qua Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luât Phòng chống tác hại rượu bia đang được xây dựng, đây là hai Luật cơ bản góp phần phòng, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.

Mới đây nhất, tháng 3/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025. Chiến lược này có mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc