Mắc nhiều bệnh do lạm dụng đồ uống có cồn

16:20, 08/05/2014
|

(VnMedia) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 ngày 7/5.

Ảnh minh họa

Không nên lạm dụng đồ uống có cồn.

Chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 12/02/2014 nhằm hướng tới mục tiêu phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.

Theo đánh giá của Tổ chứ Y tế Thế giới (WHO), việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra hơn 2,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với khoảng hơn 6.000 người chết mỗi ngày. Việc lạm dụng đồ uống có cồn cũng là nguy cơ chính gây ra các bệnh không truyền nhiễm trên toàn cầu và tại Việt Nam. Hơn 50% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới gây ra do các bệnh truyền nhiễm có thể gây ra bởi việc lạm dụng đồ uống có cồn.

Việc sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam khá phổ biến, đặc biệt là ở nam giới. Ước tính có đến 70% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc bia hơi mỗi ngày.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, bốc đồng, chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, rượu gây ức chế não bộ làm cho người lái xe có thể ngủ gật trong khi điều khiển xe. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%; làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh, gây ước tính sai về khoảng cách dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông. 

Nội dung góp ý vào Dự thảo kế hoạch hành động triển khai chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020, tập trung vào các nội dung: công tác tuyên truyền phổ biến nội dung chính sách; thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia; xây dựng cơ chế pháp luật, trong đó ra soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn; xây dựng và duy trì hệ thống thu thấp, cung cấp thông tin, dữ liệu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn; công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách.

Chính sách đặt mục tiêu, giảm dần tiến tới chấm dứt việc lưu thông đồ có cồn không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường. Đến năm 2016, 70% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn. Đến năm 2016, 30% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sàng lọc phát hiện sớm, 25% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được tư vấn, điều trị cai nghiện và chống tái nghiện tại cộng đồng, 20% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được điều trị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia và đồ uống có cồn khác; đến năm 2020, tỷ lệ tương ứng là 50%, 40% và 30%...

Tác hại của đồ uống có cồn

Ngày nay các nhà khoa học đã tìm ra nhiều bằng chứng chứng minh rằng nếu uống quá nhiều đồ uống có cồn sẽ tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể con người từ hệ thần kinh,
hệ tim mạch, hệ nội tiết, đặc biệt là hệ tiêu hóa gan mật.

Đồ uống có cồn gây nhiều tác hại trên gan, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh gan. Càng uống nhiều đồ uống có cồn và càng uống lâu dài thì càng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên gan. Các bệnh lý do đồ uống có cồn gây ra: gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan,...

Thường bệnh nhân sẽ tử vong do suy gan nặng dẫn đến hôn mê gan, xuất huyết nặng không cầm được, nhiễm trùng nặng, suy kiệt nặng…

 

Theo các bác sĩ, chỉ xét riêng lĩnh vực sức khỏe, đồ uống có cồn đã có thể chứng minh sức mạnh “lao dốc“của mình. Lá gan là nơi bị đồ uống có cồn tác động và phá hủy nhiều nhất. Các chứng bệnh về gan hầu như đều có sự góp mặt tàn phá của đồ uống có cồn. Vậy để có một lá gan khỏe mạnh thì việc hạn chế uống rượu bia là vô cùng cần thiết. Những bệnh nhân có bệnh lý về gan thì nên bỏ rượu hoàn toàn để đảm bảo sức khỏe, đề phòng biến chứng.

- Lạm dụng đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, đái đường, đau dạ dày...
- Lạm dụng đồ uống có cồn còn làm tăng nguy cơ ung thư gan, dạ dày, đại tràng, miệng, thực quản, thanh quản...
- Lạm dụng đồ uống có cồn dễ dẫn đến rối loạn tâm thần: ảo giác, hoang tưởng, rối loạn cảm xúc và hành vi, các bệnh phối hợp...
- Lạm dụng đồ uống có cồn và thuốc lá có tác dụng cộng hưởng gây nên ung thư phổi, thanh quản, khoang miệng.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc