Bổ sung canxi coi chừng...hại thận, yếu xương

06:53, 11/08/2012
|

(VnMedia) - Khi sử dụng quá nhiều canxi hay các chế phẩm làm tăng canxi như vitamin, kẹo, cốm làm tăng can xi... có thể gây tích tụ canxi hại thận gây sỏi thận hoặc canxi bám vào thành mạch máu làm suy yếu xương cốt.
 
Canxi là một trong số những khoáng chất đóng vai trò quan trọng nhất đối với cơ thể. Đây là thành phần chính cấu thành nên xương và hàm răng của con người (99% canxi tập trung ở xương và răng). Ngoài ra nó còn có nhiều chức năng khác như làm đông máu, ngăn ngừa băng huyết khi mạch máu bị tổn thương; điều hòa sự co bóp của bắp thịt (đặc biệt là tế bào tim); giúp hấp thụ vitamin B12 trong ruột; hỗ trợ sự phân phát, thu nhận và dẫn truyền tín hiệu thần kinh; sản xuất một số kích thích tố như insulin.
 
Canxi trong máu còn giúp duy trì huyết áp và nhịp tim đập bình thường. Chính vì vậy nên việc cung cấp và bổ sung canxi là việc cần ưu tiên hàng đầu và tiến hành ngay từ giai đoạn đầu đời của mỗi trẻ nhỏ.
 
Nếu hấp thu đủ canxi, trẻ sẽ có khung xương chắc khỏe khi trưởng thành. Ngược lại, thiếu canxi kéo dài sẽ dẫn đến dễ bị còi xương, chậm lớn. Tùy thuộc vào mức độ thiếu canxi ở trẻ nặng hay nhẹ mà dẫn đến những biểu hiện bệnh lý khác nhau.
 
BS Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi cơ thể được cung cấp quá nhiều can xi sẽ làm ngăn cản quá trình hấp thu các loại dưỡng chất rất cần cho hệ xương cốt. Liều sử dụng can xi hằng ngày là 1.000mg, tối đa cần thu nạp vào cơ thể là không quá 2.500mg mỗi ngày.
 
Hầu hết các thuốc bổ cho trẻ đều chứa vitamin và canxi, với mục đích tăng cường sức khỏe và chiều cao. Các thuốc này nếu được dùng ở mức độ vừa phải sẽ có lợi cho trẻ, nhưng nếu uống quá nhiều, canxi sẽ tích tụ khiến thận bị vôi hóa. Trẻ uống quá nhiều canxi sẽ bị táo bón, tăng canxi trong máu. Ngoài ra, khi cơ thể hấp thu quá nhiều canxi, thận sẽ phải làm việc nhiều để thải lượng dư thừa, lâu ngày sẽ bị vôi hóa. 
 
Chiều cao của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài chế độ dinh dưỡng, trẻ lùn thường là do di truyền hoặc một số bệnh như loạn sản sụn xương, bất thường nhiễm sắc thể, bệnh đường tiêu hóa, tim mạch, gan thận, huyết học, tiểu đường, suy tuyến giáp, thiếu hoóc môn tăng trưởng... 
 
Vì thế, khi có các biểu hiện bệnh dù là kinh nghiệm đã biết cũng cần thăm khác bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp, tránh ảnh hưởng sức khoẻ.  


Ảnh minh họa


 
Biểu hiện thiếu canxi
 
Thiếu canxi trẻ thường quấy khóc, ngủ không ngon giấc, ra nhiều mồ hôi, tóc rụng thành đường hình vành khăn sau gáy, ra nhiều mồ hôi khi ngủ, thóp chậm liền, đầu bẹt, lồng ngực dô, chân vòng kiềng hoặc chữ bát ...đó là những di chứng của còi xương nặng.
 
Đối với trẻ lớn hơn biểu hiện của bệnh còi xương đó là mệt mỏi, biếng ăn, gầy yếu, chóng mặt, đổ nhiều mồ hôi, ngủ không ngon giấc... Sau một thời gian bị thiếu canxi thì chân tay các cháu bị tê mỏi, chóng mặt, cơ trơn của hệ tiêu hóa co bóp yếu nên trẻ thường chán ăn, táo bón.
 
Đối với trẻ tuổi 9 – 16 tuổi vẫn có nguy cơ bị thiếu canxi, trẻ thường có các biểu hiện mệt mỏi, lười biếng, uể oải, ra nhiều mồ hôi, bứt rứt chân tay, hay cáu bẳn, ngủ không ngon giấc. Nguyên nhân của thiếu canxi là do trẻ suốt ngày ngồi trong lớp học, thời gian hoạt động ngoài trời quá ít, thiếu ánh nắng, các bữa ăn không cung cấp đủ lượng canxi, cho nên các bậc cha mẹ vẫn cần chú ý bổ sung canxi cho các cháu ở lứa tuổi này.
 
Thiếu canxi ở trẻ em còn gặp chứng “đau xương do tăng trưởng”: ban ngày trẻ chạy nhảy, vận động bình thường, đêm đến thì kêu đau chân là do ban đêm hormon tăng trưởng tiết ra nhiều hơn, hormon này được chuyển vào máu rồi chuyển đến xương kích thích xương phát triển, khi thiếu canxi, sự tăng trưởng, giãn nở của xương bị trở ngại, tác động đến màng của xương gây đau, nếu kịp thời bổ sung đầy đủ canxi cho trẻ thì sẽ hết đau.
 
Ngoài ra, thiếu caxi còn khiến cho trẻ bị đau bụng đột ngột khi ăn sáng, hoặc đau bụng vào ban đêm. Nếu trẻ đau bụng không kèm theo nôn, sốt, đau thành từng cơn, không dùng thuốc mà vẫn tự khỏi thì có khả năng đau bụng do thiếu canxi. Thiếu canxi khiến cho thần kinh của đường tiêu hóa bị hưng phấn cao độ, các cơ trơn của đường tiêu hóa bị co rút làm cho trẻ đau bụng, nếu được bổ sung canxi thì trẻ sẽ hết đau. 

Canxi giữ vai trò dẫn truyền thông tin giúp tế bào bạch cầu phát hiện ra, bao vây, tiêu diệt vi khuẩn và các độc tố gây bệnh, cho nên trẻ bị thiếu canxi thường hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa.

Cách bổ sung canxi
 
Canxi có rất nhiều tác dụng, tham gia vào nhiều hoạt động của cơ thể, khi thiếu thì gây ra nhiều chứng bệnh ở trẻ em. Trong các loại thức ăn hằng ngày, sữa là loại có chứa nhiều canxi nhất, sau đó là các thực phẩm như tôm, cua, cá nhưng phải ăn kho nhừ cả xương, còn lại các thực phẩm khác hàm lượng canxi rất thấp cho nên trẻ em không được bú mẹ hoặc ăn sữa ít, trẻ lớn không chịu uống sữa, ít ăn tôm, cá thì không thể đáp ứng đủ lượng canxi cho nhu cầu cơ thể. Vì vậy cần phải bổ sung canxi dưới dạng thuốc.
 
Khi mua canxi cần phải chọn các sản phẩm canxi dễ hấp thu, không gây kích ứng dạ dày ruột, ít gây tác dụng phụ, tiện lợi sử dụng. Trên thị trường có nhiều loại sản phẩm canxi khác nhau, với nhiều hàm lượng khác nhau, cho nên các bậc phụ huynh phải cho trẻ uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì khi uống quá nhiều dẫn đến thừa canxi cũng không tốt có thể gây sỏi thận, tiết niệu, xương cốt hóa sớm làm trẻ bị lùn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hàm lượng cần thiết đối với trẻ trong độ tuổi 1-2 là 500mg/ngày; 4-8 tuổi cần 800mg/ngày và từ 9 tuổi trở lên cần 1.300mg/ngày. Canxi được cung cấp cho cơ thể qua việc ăn uống.

Ngoài chế độ ăn uống, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý cho con mình thường xuyên được tắm nắng, vận động ngoài ánh nắng để tăng cường hấp thụ vitamin D - chất giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc