Tại sao khi được truyền máu phải trả tiền?

06:47, 10/08/2012
|

(VnMedia) - Có rất nhiều bệnh nhân cần phải truyền máu trong quá trình cấp cứu, điều trị bệnh. Và cũng rất nhiều người bệnh và người nhà bệnh nhân thắc mắc tại sao lại phải trả tiền khi cần truyền máu?
 
Thậm chí nhiều người còn thắc mắc rằng máu được hiến tình nguyện sao khi cần truyền máu vẫn phải trả tiền. Bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa Vận động hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
 
Bác sĩ Ngô Mạnh Quân cho biết, nói là hiến máu tình nguyện nhưng trong thực tế không phải người hiến máu đến hiến máu xong là về không, mà người hiến máu vẫn nhận quà bồi dưỡng, vẫn có chi phí một phần hỗ trợ đi lại, vẫn có chi phí chuẩn bị địa điểm nghỉ tại chỗ cho người hiến máu, chi phí cho việc in ấn, phát tờ rơi, tài liệu, tuyên truyền vận động hiến máu…
 
Bên cạnh đó, việc lấy máu từ người hiến máu ra thì đơn vị máu đó chỉ là nguồn nguyên liệu thô, không thể sử dụng cho người bệnh ngay được. Và đơn vị máu đó buộc phải xét nghiệm, phân loại, sàng lọc xem có mang vi khuẩn, virút gì không, rồi xét nghiệm xem nhóm máu của người hiến máu là nhóm gì, có hoà hợp với người bệnh hay không.
 
Rồi đơn vị máu mới được đưa vào sản xuất, tách chiết ra các chế phẩm khác nhau. Vì có người bệnh thì cần hồng cầu, người thì cần tiểu cầu, người thì chỉ cần huyết tương thôi. Bệnh nhân cần loại gì thì truyền loại đấy, chứ không phải đưa cả bịch máu tươi đó vào trong người bệnh nhân được.

Sau đó, mỗi chế phẩm máu lại phải được quản quản ở điều kiện khác nhau, bằng hệ thống máy móc, nhiệt độ, thời gian bảo quản khác nhau…, chưa kể đến khâu vận chuyển chế phẩm máu đó từ trung tâm truyền máu đến các bệnh viện, rồi bệnh viện phải tiếp tục làm xét nghiệm xem có hoà hợp trước khi truyền cho người bệnh.v.v…
 
Như vậy, để từ một đơn vị máu thô thành sản phẩm có thể sử dụng cho người bệnh phải trải qua rất nhiều quy trình, công nghệ, nhà nước phải trả chi phí cho quy trình đó và người dân thì tham gia chi trả một phần chi phí cho đơn vị truyền máu đó.
 
Trong thực tế có rất nhiều người nhà bệnh nhân vẫn thắc mắc và tỏ ra bức xúc, khi người nhà của họ nằm trên giường bệnh, họ sẵn sàng hiến máu cho người bệnh nhưng vẫn phải trả tiền?
 
Theo Bác sĩ Ngô Mạnh Quân, đúng là người bệnh vẫn phải trả phí đó là phí cho sản phẩm máu để truyền được vào cơ thể mình. Còn người nhà bệnh nhân đến hiến máu thì không phải là cho không mà bệnh viện, trung tâm truyền máu vẫn có chế độ bồi dưỡng, vẫn đảm bảo sau này nếu bản thân người hiến máu đó cần bồi hoàn máu thì nhà nước vẫn phải có chế độ bồi hoàn máu miễn phí cho họ.
 
Hiện nay chi phí cho một đơn vị máu để truyền được cho người bệnh là bao nhiêu?
 
Hiện gồm có 2 loại chế phẩm máu khá phổ biến là máu toàn phần và khối hồng cầu, chi phí để truyền một đơn vị máu đó bệnh nhân phải đóng 445.000 đồng. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân nên bảo hiểm chi trả phần lớn chi phí này, bệnh nhân chỉ phải cùng chi trả phí rất thấp, khoảng mấy chục ngàn đồng cho một lần truyền máu thì số tiền đó không phải là quá lớn.


Thuỳ Minh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc