Trung Quốc xây xẩm vì "đòn đánh kép"

07:48, 26/06/2015
|

(VnMedia) - Không rõ có sự thỏa thuận ngầm nào hay không nhưng hai cường quốc lớn của thế giới cũng là đồng minh thân thiết của nhau – Mỹ, Nhật Bản đã cùng lúc tung đòn “song kiếmhợp bích” nhằm vào Trung Quốc, khiến đối thủ của họ không khỏi choáng váng.

 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Nhật Bản tiếp tục thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

 

Một sĩ quan hàng đầu của Nhật Bản hôm qua (25/6) vừa tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng, quân đội nước này có thể sẽ cùng kết hợp với các lực lượng của Mỹ để tiến hành hoạt động tuần tra thường xuyên ở Biển Đông. Bước đi này được Tokyo cân nhắc trong bối cảnh họ đang tìm kiếm một vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực và trên toàn cầu.

 

Những động thái gần đây của Trung Quốc trong việc cấp tập xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã gây ra “những mối quan ngại rất lớn” cho Nhật Bản, ông Katsutoshi Kawano – Tham mưu trưởng Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã cho biết như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Phố Wall.

 

"Chúng tôi chưa có bất kỳ kế hoạch nào trong việc tiến hành hoạt động giám sát ở Biển Đông vào thời điểm này nhưng phụ thuộc vào tình hình, tôi cho rằng có khả năng chúng tôi sẽ cân nhắc thực hiện bước đi đó”, Đô đốc Nhật Bản Kawano cho hay.

 

Ông Kawano không nói cụ thể hành động nào của Trung Quốc sẽ khiến Nhật Bản phải xem xét tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông chung với Mỹ. Tuy nhiên, chỉ riêng thông tin Tokyo đang ấp ủ ý định đưa lực lượng ra giám sát Biển Đông cũng đủ khiến Bắc Kinh “toát mồ hôi hột”.

 

Kể từ sau khi Trung Quốc bắt đầu từ bỏ chính sách “ẩn mình”, trỗi dậy với hàng loạt chính sách, động thái và bước đi quyết liệt, hung hăng nhằm tranh giành chủ quyền với các nước ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông, Nhật Bản bắt đầu có những nước cờ đầy tính toán nhằm ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh.

 

Thủ tướng Shinzo Abe đã và đang tích cực thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp hòa bình để mở rộng vai trò của quân đội Nhật Bản. Ông Abe muốn nới lỏng các biện pháp hạn chế, ràng buộc được áp đặt lên các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua và đề xuất một dự luật cho phép quân đội Nhật Bản có phạm vi hoạt động lớn hơn.

 

Tuần này, Nhật Bản và Philippines đã khiến Trung Quốc nhiều lần “nhảy dựng” lên vì tức giận khi đưa máy bay do thám tối tân và máy bay tuần tra quân sự đến lượn lờ ở những khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông.

 

Bắc Kinh đang liên tục bồi đắp để xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông và trên đó sẽ có những cơ sở, hạ tầng mà nước này tuyên bố là được dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự. Trung Quốc được cho là đã bồi đắp được đến 800 héc ta đảo nhân tạo. Các động thái này của Bắc Kinh rõ ràng là nhằm để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

 

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là nơi có chứa các tuyến đường biển chiến lược với mỗi năm có đến 5 nghìn tỉ USD giao dịch hàng hóa, thương mại đi qua đây. Ngoài ra, Biển Đông còn là nơi chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên rất lớn gồm trữ lượng dầu mỏ không lồ và nguồn hải sản phong phú. Chính vì thế, Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát Biển Đông. Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn liếm sâu vào bên trong trung tâm biển của Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

 

Song song với cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc còn đang tranh giành quyết liệt chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

 

Thủ tướng Nhật Bản Abe từ lâu đã chỉ trích cái mà ông này miêu tả là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi thế nguyên trạng ở các khu vực tranh chấp.

 

Mỹ tung đòn vào Trung Quốc thông qua Vùng lãnh thổ Đài Loan

 

Cũng trong thời gian này, Mỹ đã khiến Trung Quốc “nổi điên” khi thông qua một dự luật tăng cường sự hợp tác quân sự giữa Mỹ với Vùng lãnh thổ Đài Loan.

 

Thượng viện Mỹ hồi tuần trước đã thông qua một dự luật trong đó nói rằng, Vùng lãnh thổ Đài Loan “nên được khuyến khích tham gia vào các cuộc tập trận, bao gồm những cuộc diễn tập chiến đấu không đối không thực tế” cũng như các bài tập hiện đại cho lực lượng bộ binh, trực thăng tấn công và máy bay do thám.

 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua đã bày tỏ sự tức giận trước dự luật khuyến khích Đài Loan tham gia tập trận chung với Mỹ nói trên.

 

"Chúng tôi kiên quyết phản đối các nước phát triển bất kỳ mối quan hệ quân sự nào với Vùng lãnh thổ Đài Loan. Lập trường này là rõ ràng và kiên định”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Yang Yujun cho biết tại cuộc họp báo định kỳ.

 

Bắc Kinh kêu gọi Washington tuân theo cam kết của nước này trong mối quan hệ với hòn đảo Đài Loan, “xử lý đúng đắn vấn đề Đài Loan và có những bước đi thực chất để tăng cường sự phát triển chung của mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung”, ông Yang nói thêm.

 

Theo Dự luật Quan hệ Đài Loan có hiệu lực từ năm 1979 khi Washington cắt đứt quan hệ chính thức với hòn đảo Đài Loan để công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở thủ đô Bắc Kinh, Mỹ đã cam kết sẽ giúp Đài Loan bảo vệ vùng lãnh thổ này.

 

Mỹ liên tục khiến Trung Quốc tức giận khi có những hành động hỗ trợ quân sự cho Đài Loan như bán vũ khí cho vùng lãnh thổ này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc