Càng tức tối, Trung Quốc càng bị trêu ngươi

15:16, 25/06/2015
|

(VnMedia) - Bất chấp sự tức tối và giận dữ của Bắc Kinh, Nhật Bản và Philippines tiếp tục có hành động trêu ngươi, khiêu khích Trung Quốc ở Biển Đông.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Nhật Bản và Philippines lại cho máy bay tuần tra lượn lờ gần khu vực tranh chấp ở Biển Đông trong ngày thứ hai liên tiếp khi hai nước này tiến hành cuộc tập trận không quân và hải quân chung.
 
Một chiếc máy bay do thám tối tân P-3C Orion của Nhật Bản và một máy bay tuần tra Islander của Hải quân Philippines đã thực hiện một cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ ở khu vực cách đảo Palawan của Philippines khoảng 93km về phía tây bắc, giới chức hai nước cho hay.
 
Chuyến bay của máy bay Nhật Bản và Philippines đi theo hướng về phía Bãi Cỏ Rong nhưng giới chức hai nước này từ chối không cho biết cụ thể hai chiếc máy bay đó có bay trực tiếp qua khu vực này hay không.
 
Manila cũng đang tổ chức một cuộc tập trận riêng rẽ khác với đồng minh lâu năm Mỹ ở ngoài khơi đảo Palawan trong tuần này.
 
Tất cả những động thái trên của Philippines là nhằm để củng cố, thắt chặt quan hệ liên minh với các nước trong bối cảnh họ phải đối đầu với một nước lớn như Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.
 
Trung Quốc đang ngang ngược đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên cả những khu vực thuộc chủ quyền của các nước như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Gần đây, Bắc Kinh đã và đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng, cải tạo và bồi đắp trái phép trên hàng loạt bãi đá, bãi cạn và bãi san hô ở Biển Đông, gây ra làn sóng phản đối, chỉ trích dữ dội từ các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
 
Trung Quốc còn có cuộc tranh chấp quyết liệt khác với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông.
 
Sau một chuyến bay tương tự diễn ra hôm 23/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang đã nhắc các nước tham gia cuộc tập trận hải quân không được chọc giận nước họ. Bắc Kinh hy vọng "các nước có liên quan sẽ không làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, ông Lu nói thêm.
 
Chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản Hiromi Hamano cho các phóng viên biết, các cuộc diễn tập ngày hôm qua giữa họ với Philippines đã diễn ra thành công.
 
Cuộc tập trận chung giữa Nhật Bản và Philippines diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang khuấy trở lại căng thẳng Biển Đông bằng hoạt động bồi đắp, xây dựng và cải tạo trái phép trong khu vực.
 
Việc Nhật Bản tham gia tập trận với Philippines trong thời điểm này được Bắc Kinh coi là hành động ủng hộ ngầm cho Manila.
 
Biển Đông đang chứng kiến những cuộc đối đầu nóng bỏng vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Trung Quốc với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn liếm sâu vào bên trong trung tâm biển của Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
 
Biển Đông không chỉ chứa những tuyến đường biển chiến lược vô cùng quan trọng của thế giới mà còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Vùng đại dương này chiếm 1/10 hải sản mà các công ty toàn cầu đánh bắt được. Biển Đông cũng được cho là nơi chứa đựng nguồn dầu mỏ khổng lồ. Nhật Bản dù không có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông nhưng an ninh quốc gia của nước này sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi sự bất ổn hay xung đột ở khu vực, ông Corey Wallace - một chuyên gia về chính sách quốc phòng và an ninh Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản-Australia ở Canberra đã nhận định như vậy. Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đón nhận một phần trong tổng số 5 nghìn tỉ USD tổng thương mại hàng hoá được giao dịch qua Biển Đông mỗi năm.
 
Việc Trung Quốc liên tiếp khuấy đảo Biển Đông trong các nỗ lực nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm vùng biển này đã thúc đẩy Tokyo ngày càng tham gia sâu vào khu vực. Cách đây không lâu, Tokyo từng ám chỉ, nước này có thể phối hợp với đồng minh Mỹ để tiến hành các cuộc tuần tra trên không ở Biển Đông. Thông tin này được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc tiết lộ về ý định đưa máy bay và tàu tối tân vào Biển Đông để thực hiện các cuộc tuần tra định kỳ, thường xuyên.
 
Khi Bắc Kinh ngày càng quyết liệt trong tham vọng giành quyền kiểm soát Biển Đông thì Mỹ cũng đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn chặn bước đi của Trung Quốc. Washington đang cấp tập tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Đô đốc Harry Harris Jr. thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hồi tháng 3 thông báo, Hải quân Mỹ sẽ chuyển 60% hạm đội của họ đến Thái Bình Dương vào năm 2020, và sẽ mở rộng sự hợp tác với Ấn Độ.0
 
Hải quân Mỹ cũng thừa nhận đã triển khai máy bay do thám tối tân nhất - P-8A Poseidon đến khu vực ngoài khơi Philippines ở Biển Đông. Vừa có khả năng chống tàu ngầm lẫn chống tàu nổi, máy bay P-8A Poseidon đang giám sát hàng ngày nhất cử nhất động ở khu vực Biển Đông.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc