Trung Quốc hứng “cú tát trời giáng” từ Philippines

15:28, 03/06/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Philippine Benigno Aquino hôm nay (3/6) đã không ngại ngần so sánh đất nước Trung Quốc hiện nay với phát xít Đức trong bài phát biểu tại Nhật Bản. Ông Aquino còn nói rằng, thế giới không thể tiếp tục nhượng bộ trước Bắc Kinh khi nước này đang đòi chủ quyền ngày càng nhiều ở Biển Đông. Những phát biểu trên được xem như một “cú tát trời giáng” của Philippines vào nước láng giềng khổng lồ đầy sức mạnh.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Philippines Aquino


Diễn biến mới nhất trên diễn ra khi mà tình hình bất ổn và căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông do việc Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở khu vực, trong đó có cả dự án xây dựng một đường băng đủ dài để có thể phục vụ cho những chiếc máy bay quân sự lớn.
 
"Nếu có một khoảng trống, nếu Mỹ - hiện đang là siêu cường thế giới, nói ‘chúng tôi không quan tâm’, thì có lẽ sẽ không có sự kìm hãm nào đối với tham vọng của những nước khác”, ông Aquino đã nói như vậy trước các doanh nhân ở thủ đô Tokyo khi ông này được hỏi về sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc và vai trò của Mỹ trong việc kiểm chế sức mạnh đó.
 
"Tôi là một sinh viên không chuyên về lịch sử và tôi được nhắc để nhớ đến việc Đức đã từng có hành động thăm dò như thế nào và phản ứng của các cường quốc Châu Âu lúc đó như thế nào”, Tổng thống Philippines Aquino cho biết, ám chỉ đến những cuộc chinh phục lãnh thổ của phát xít Đức trong những tháng trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II.
 
"Họ đã thăm dò và họ đã sẵn sàng để rút lui nếu ví dụ như vào thời điểm đó Pháp nói rút lui. Tuy nhiên, không may là, lần lượt cá vụ sáp nhập, thôn tính lãnh thổ Sudetenland, Czechoslovakia và toàn bộ đất nước Czechoslovakia, không ai nói họ dừng lại”, ông Aquino cho hay.
 
"Nếu một ai đó ngăn Adolf Hitler lại vào thời điểm đó, hoặc là Đức vào thời điểm đó, thì chúng ta đáng ra đã có thể tránh được cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II."
 
Những phát biểu hết sức gay gắt trên của Tổng thống Philippines Aquino được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu tuần này đã lên tiếng về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông, kêu gọi các cường quốc trong khu vực, cụ thể là Trung Quốc, tôn trọng luật pháp và ngừng ngay việc bắt nạt các nước nhỏ hơn.
 
Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu của Washington về việc chấm dứt mọi hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng ở Biển Đông, nói rằng họ đang “thực thi quyền chủ quyền” và rằng họ sử dụng “những tiền đồn được dựng lên cho mục đích phục vụ các nghĩa vụ quốc tế”.
 
Nhật, Mỹ “cổ vũ” cho Philippines thách thức Trung Quốc
 
Trong cuộc đối đầu đầy thách thức với Trung Quốc, Philippines đã nhận được sự ủng hộ, “cổ vũ” nhiệt tình của hai đồng minh Mỹ và Nhật Bản.
 
Tổng thống Philippine đang có chuyến thăm thứ 6 đến Nhật Bản trong chưa đầy 5 năm qua. Điều này cho thấy mối quan hệ ngày một sâu sắc giữa Manila và Tokyo. Sở dĩ quan hệ giữa Philippines và Nhật Bản được tăng cường chặt chẽ như vậy là do hai nước đều có chung một mối quan ngại rất lớn về Trung Quốc ở trên biển.
 
Trong bài phát biểu ở thủ đô Tokyo ngày hôm nay, Tổng thống Aquino đã công khai chỉ trích gay gắt “những đòi hỏi chủ quyền phi pháp và phi lý” của Trung Quốc. Ông Aquino ca ngợi Tokyo về việc đã thể hiện tình đoàn kết với Philippines trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
 
Tổng thống Philippines Aquino đã được đón tiếp theo một nghi thức chào đón khách nước ngoài hiếm có của chính phủ Nhật Bản. Ông Aquino cũng được mời phát biểu tại Thượng viện Nhật Bản.
 
Trong chuyến thăm 4 ngày đến Tokyo, Tổng thống Aquino sẽ có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, trong đó tập trung vào chủ đề chính là mối quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng. Hai nhà lãnh đạo được mong đợi sẽ ký kết một thoả thuận trong đó khẳng định Nhật Bản sẽ cung cấp 10 tàu tuần tra hàng hải cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines để củng cố năng lực tuần tra ở Biển Đông cho Manila.
 
Bởi vì cả hai nước đều là đồng minh của Mỹ và đều có chung mối quan ngại về tham vọng hàng hải của Trung Quốc nên Philippines cực kỳ quan trọng với Nhật Bản, ông Kenko Sone – phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, cho hay.
 
Ngoài Nhật Bản, Mỹ cũng tham gia tích cực vào vấn đề Biển Đông. Mỹ có kế hoạch đưa những vũ khí hạng nặng tối tân, trong đó có tàu khu trục tên lửa tàng hình hiện đại nhất đến Châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.
 
Mỹ gần đây liên tiếp bày tỏ sự lo ngại trước tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép của Trung Quốc trong khu vực.
 
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn và được cho là còn chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc