EU quyết theo đuổi cuộc chiến dài lâu với Nga

21:17, 22/12/2014
|

(VnMedia) - Giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng cảnh báo Moscow rằng họ sẵn sàng thể hiện sức mạnh đoàn kết, tổng hợp của cả khối để tiếp tục theo đuổi tiến trình đối đầu lâu dài với Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin từ chối rút khỏi Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Lãnh đạo các nước thành viên EU (Ảnh minh họa)


"Chúng ta cần phải vượt qua phạm vi chỉ phòng thủ và phản ứng. Với tư cách là những người Châu Âu, chúng ta cần phải giành lại sự tự tin, tự chủ và thể hiện sức mạnh của bản thân”, ông Donald Tusk – cựu Thủ tướng Ba Lan và hiện là Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, đã nói như vậy. Ông Tusk là người chủ trì hội nghị thượng đỉnh của EU hồi cuối tuần trước ở thủ đô Brussels của Bỉ.
 
Trong những phát biểu có một phần được xem là lời cảnh báo gửi tới Nga, ông Tusk tuyên bố, một mặt trận Châu Âu thống nhất, đoàn kết là điều quan trọng có tính sống còn, Phát biểu này cũng được xem như lời cổ vũ, hô hào dành cho một Liên minh Châu Âu đang bị chia rẽ giữa một bên là thành phần diều hâu và một bên có chủ trương hòa bình. Phương Tây đang áp đặt hàng loạt đòn trừng phạt nhằm vào Nga, gây tổn thương nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga và cả cho chính nền kinh tế của các nước thành viên EU.
 
"Rõ ràng chúng ta sẽ không tìm được một giải pháp lâu dài cho tình hình Ukraine nếu không có được một chiến lược nhất quán, thống nhất và thích hợp của Châu Âu đối với Nga”, cựu Thủ tướng Ba Lan Tusk đã nói như vậy sau cuộc họp đầu tiên của ông này với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Châu Âu.
 
"Hiện tại, chúng ta không thể quá lạc quan. Nhưng chúng ta phải thực tế, không phải là lạc quan”, ông Tusk nói thêm.
 
EU đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào đúng ngày Tổng thống Putin có cuộc họp báo thường niên với hơn 1.200 phóng viên, trong đó ông này đã đưa ra một loạt lập luận chắc chắn để bảo vệ các chính sách của Moscow đối với Ukraine cũng như đối với nền kinh tế. Lãnh đạo của 28 nước thành viên EU đã bàn với nhau về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine với mục tiêu tìm kiếm một giải pháp lâu dài sau khi cuộc khủng hoảng kéo dài một năm qua ở quốc gia Đông Âu cùng với những biện pháp trừng phạt thương mại qua lại giữa Nga và các nước phương Tây đã gây ra nguy cơ về một cuộc Chiến tranh Lạnh đang trở lại.
 
Một số quan chức của Liên minh Châu Âu cho rằng, liên minh này nên chuyển từ việc ủng hộ Ukraine sang tìm kiếm một sự hòa dịu đối với Moscow. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp Châu Âu trong bối cảnh họ đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề trong cuộc chiến thương mại với Nga và đang lo sợ về sự lây lan từ cuộc khủng hoảng của đồng rúp.
 
Tuy nhiên, với sự khác biệt về quan điểm với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, giới lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh hồi tuần trước đã lên tiếng thể hiện sự quyết tâm trong việc thể hiện một mặt trận thống nhất, đoàn kết trong cuộc đối đầu lâu dài với Nga. EU cũng đồng ý tiếp tục viện trợ tài chính cho Ukraine thực hiện các cuộc cải cách về hệ thống kinh tế, chính trị.
 
"Nga ngày nay là một vấn đề chiến lược đối với chúng ta chứ không phải Ukraine”, ông Tusk đã nói như vậy. Ông Tusk vốn nổi tiếng là nhà hoạt động chống Xô-viết từ thời sinh viên những năm 1980. Ông này khi còn là Thủ tướng Ba Lan cũng được xem là một trong những người có tư tưởng diều hâu nhất đối với Nga, luôn thúc đẩy các nước phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
 
Cây gậy và củ cà rốt
 
Mặc dù đã ban hành những biện pháp trừng phạt mới đã được nhất trí trước đó, các nước phương Tây vẫn chưa có động thái nào nào nhằm gia tăng các đòn trừng phạt với Moscow. Cũng giống như Mỹ, các nước này đều nói rõ ràng rằng, họ sẽ tháo gỡ dần các biện pháp trừng phạt nếu ông Putin tôn trọng thỏa thuận hòa bình được ký kết cách đây 4 tháng.
 
"Cánh cửa vẫn luôn luôn mở nếu ông Putin thay đổi hành động. Nếu Nga rút quân ra khỏi Ukraine và tuân thủ toàn bộ những nội dung trong thỏa thuận Minsk thì những biện pháp trừng phạt đó sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn”, Thủ tướng Anh David Cameron cho hay.
 
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Các biện pháp trừng phạt chỉ được dỡ bỏ nếu các lý do để dẫn đến chúng được thay đổi”.
 
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier – một thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ Xã hội trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel, sau đó đã nói rằng ông lo ngại về việc “gia tăng áp lực trừng phạt thêm nữa” lên Nga, nói rằng không được để cuộc xung đột vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
 
Trong khi đó, ông Jean-Claude Juncker – người đứng đầu Ủy ban Châu Âu, cho biết các cuộc đối thoại vẫn rất quan trọng và “chúng ta phải duy trì các kênh đối thoại”.
 
Những phát biểu trên cho thấy, phương Tây đang dùng “cây gậy” là những đòn trừng phạt mạnh mẽ, quyết liệt nhằm vào nền kinh tế Nga để ép buộc Moscow phải thay đổi lập trường. “Củ cà rốt” mà họ chìa ra ở đây là lời hứa dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, chính sách cây gậy và củ cà rốt được cho là sẽ chẳng có tác dụng đối với Nga. Mặc dù đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề từ chính sách trừng phạt của phương Tây nhưng Moscow tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ lập trường của họ trong vấn đề Ukraine.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc