Đức, Mỹ bắt tay khiến Nga phải trả giá?

18:31, 14/11/2014
|

(VnMedia) - Một quan chức Mỹ hôm qua (13/11) cho biết, Đức và Mỹ đã “bàn mưu tính kế” với nhau để bắt Nga phải trả giá thêm nữa vì cái mà họ cáo buộc là sự can thiệp, dính líu của Moscow vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc - bà Power


Trong khi Moscow và Kiev đang đổ lỗi, cáo buộc lẫn nhau về những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn thì Mỹ lên tiếng cảnh báo Nga rằng phương Tây có thể sẽ tung thêm đòn trừng phạt nhằm vào Moscow vì “sự leo thang quân sự” trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Chính quyền Kiev cáo buộc Nga đưa binh lính và vũ khí vào để giúp lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine phát động một chiến dịch tấn công mới trong cuộc xung đột vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 trong vài tháng qua.
 
Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ở thủ đô Berlin, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc - bà Samantha Power cho biết, bà và ông Steinmeier “quan ngại sâu sắc, cụ thể là tình trạng leo thang quân sự ở trên thực địa”.
 
"Nói về những bước tiếp theo, các chuyên gia của chúng tôi sẽ có cuộc gặp gỡ trong tuần này để bàn thảo về việc làm thế nào chúng tôi có thể bắt tay hợp tác để cùng bắt Nga phải trả giá thêm nữa”, bà Power cho hay.
 
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine bùng lên và leo thang thành xung đột quân sự ở khu vực miền đông, Nga bỗng chốc trở thành mục tiêu chỉ trích, lên án mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây. Các nước này cáo buộc Nga đã kích động cuộc khủng hoảng ở Ukraine và gây ra tình trạng xung đột đẫm máu ở miền đông. Dựa trên cáo buộc đó, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã quyết liệt gây sức ép với Nga bằng những đòn trừng phạt liên tiếp, khiến cả Nga và Liên minh Châu Âu (EU) “sứt đầu mẻ trán”.
 
Bất chấp áp lực nặng nề và có phần đau đớn của phương Tây, Moscow không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ nước này thay đổi lập trường và chính sách đối với cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng.
 
Sau những lời đe doạ về việc bắt Nga trả giá hơn nữa, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power dịu giọng hơn với Moscow khi nói rằng Washington sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga nếu xung đột ở miền đông Ukraine chấm dứt.
 
"Chúng tôi vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng để rút lại các biện pháp trừng phạt nếu giao tranh chấm dứt, khu vực biên giới đóng lại đồng thời lực lượng nước ngoài và thiết bị quân sự được rút đi cũng như con tin được thả”, bà Power nói.
 
Anh cũng quyết liệt đòi trừng phạt Nga
 
Cũng như mọi lần, Anh cùng với Mỹ là những nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc đòi trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Các hành động của Nga là “không thể chấp nhận được và chúng có thể khiến Mỹ và Liên minh Châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào họ”, Thủ tướng Anh David Cameron hôm nay (14/11) cho biết.
 
"Tôi vẫn hy vọng rằng Nga sẽ có cảm giác gì đó và sẽ thừa nhận rằng họ nên cho phép Nga phát triển như một quốc gia độc lập, tự do, được thoải mái trong các lựa chọn của họ”, ông Cameron đã nói như vậy trong một cuộc họp báo ở Canberra.
 
"Nếu Nga có phương pháp tiếp cận tích cực đối với quyền tự do và trách nhiệm của Ukraine, chúng tôi có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Nếu Nga tiếp tục làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn thì chúng tôi có thể sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt. Mọi việc đơn giản là như vậy", Nhà lãnh đạo của Anh nhấn mạnh.
 
Trái với tuyên bố đầy cứng rắn trên của Thủ tướng Cameron, các nhà ngoại giao của Liên minh Châu Âu hôm 12/11 vẫn khẳng định, họ sẽ không đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt Nga khi EU có cuộc họp vào tuần tới.
 
Theo kế hoạch dự kiến, Ngoại trưởng các nước thành viên EU sẽ có cuộc họp vào thứ Hai tuần tới (17/11). Cuộc họp này sẽ tập trung vào chủ đề chính là Ukraine – nơi đang tuyến bố tái triển khai lại lực lượng ở miền đông vì sợ lực lượng ly khai sẽ phát động một cuộc tấn công quân sự mới.
 
"Hội đồng các ngoại trưởng sẽ không có ý định đưa ra các biện pháp trừng phạt mới bất chấp tình hình rối loạn cũng như các cuộc bầu cử” ở miền đông Ukraine, một nhà ngoại giao EU và hai vị quan chức khác đã thể hiện quan điểm chung như vậy.
 
Một nhà ngoại giao khác cho hay: “Các biện pháp trừng phạt hiện tại đang gây đau đớn cho Nga và những biện pháp này có thể được mài sắc hơn nếu EU không còn sự lựa chọn nào khác. Chúng ta chưa tới mức đó mặc dù ở một điểm nào đó, chúng ta có thể làm như vậy”.
 
Trước đó, Thủ tướng Đức cũng lên tiếng cho rằng, EU sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt thêm nữa với Nga trong thời điểm này.
 
Với việc nội bộ EU tiếp tục chia rẽ, mâu thuẫn về vấn đề trừng phạt thêm nữa Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, rất có thể quyết định về việc này sẽ được để lại cho các nhà lãnh đạo khi họ có cuộc họp vào giữa tháng 12 tới, các nhà ngoại giao EU hôm qua (13/11) cho biết.
 
Về phần mình, Nga cũng tỏ ra rất cứng rắn. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua tuyên bố, chỉ khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ thì Nga và phương Tây mới có thể vượt qua những vấn đề trong quan hệ song phương.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc