Trung Quốc “vớ bẫm” trong cuộc chiến ở Ukraine

06:28, 31/10/2014
|

(VnMedia) - Trong khi Nga và phương Tây đánh nhau “sứt đầu mẻ trán” vì cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine thì Trung Quốc được cho là đang “vớ bẫm”.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình


Lợi ích kinh tế to lớn

 
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã đẩy quan hệ giữa Nga và phương Tây xuống mức thấp nhất, kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Điều đáng nói hơn là do sức ép từ Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) đã phải tung ra một loạt đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, dù EU thực tâm chẳng muốn điều này. Nga và EU vốn là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của nhau.
 
Việc EU áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vô tình đã đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho Trung Quốc. Trong tình thế bị phương Tây chèn ép, Tổng thống Vladimir Putin đã phải quay sang Trung Quốc để bù đắp cho những thiệt hại kinh tế mà Nga phải gánh chịu từ những đòn trừng phạt của Mỹ và EU. Đương nhiên, Trung Quốc được hưởng lợi lớn từ những hợp đồng béo bở với Nga.
 
Hồi tháng 5, Tổng thống Putin đã ký một hợp đồng khí đốt cực khủng với Trung Quốc, có trị giá lên tới 400 tỉ USD. Cần phải nhớ rằng, trước đó, Moscow và Bắc Kinh từng dùng dằng bao nhiêu năm trời không ký được hợp đồng này bởi không thỏa thuận được với nhau về lợi ích của mỗi bên. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, khi Nga đang bị các nước phương Tây bao vây, cấm vận thì nước này sẵn sàng chấp nhận một số nhượng bộ để ký được hợp đồng với Trung Quốc.
 
Trung Quốc rõ ràng đã ký được các hợp đồng dầu mỏ và khí đốt với mức giá ưu đãi. Thực tế thì Trung Quốc cần năng lượng và Nga có mặt hàng quan trọng đó. Tuy nhiên, giới chức Nga cũng khẳng định, họ “không phải là kẻ ngốc và không biết đâu là giới hạn”, ám chỉ rằng Moscow không phải là nhượng bộ quá mức chỉ để ký được một hợp đồng với Bắc Kinh. Nga khẳng định, mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc là một mối quan hệ bổ sung lẫn nhau vì lợi ích chung và mối quan hệ này đang phát triển mạnh mẽ.
 
Mới đây, trong chuyến thăm 3 ngày đến thủ đô Moscow, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ký với phía Nga 38 thỏa thuận mới, trong đó có hợp đồng mở rộng việc bán khí đốt của Nga sang cho Trung Quốc. Moscow được cho là cũng nhất trí bán một số vũ khí tối tân hàng đầu của nước này cho Bắc Kinh.
 
Thương mại Nga-Trung đã tăng từ khoảng 40 tỉ USD lên 90 tỉ USD trong 6 năm qua. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho rằng, con số này sẽ nhảy lên 100 tỉ USD vào năm tới và 200 tỉ USD vào năm 2020. Giá trị thương mại giữa Nga và Liên minh Châu Âu năm 2012 đạt mức 340 tỉ USD vào năm 2012.
 
Việc EU trừng phạt Nga đã mang lại cơ hội vàng cho Trung Quốc. Nhiều mặt hàng của Trung Quốc đã được tăng thêm cơ hội thâm nhập vào thị trường rộng lớn của Nga, ví dụ điển hình là rau quả, nông sản. Trong khi đó, EU thiệt thòi vì mất thị trường Nga. Điều đáng lo ngại hơn, khi EU dỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga thì việc giành lại thị trường xem ra sẽ không hề đơn giản bởi đã có những đối tác khác nhanh chân điền vào “chỗ trống” mà họ bỏ lại trước đó.
 
Trung Quốc cũng tận dụng được việc Nga bị hạn chế tiếp cận với các thị trường vốn phương Tây. Điều đó được thể hiện qua việc Trung Quốc đã có trong tay một số dự án ở Nga như dự án nâng cấp hệ thống đường sắt trị giá 10 tỉ USD, một thỏa thuận “đối tác chiến lược” giữ tập đoàn dầu mỏ của Nga Rosneft và tập đoàn CNPC của Trung Quốc, và một dự án phát triển máy bay chung với Nga.
 
Lợi ích chính trị
 
Ngoài những lợi ích kinh tế béo bở, việc Nga hướng về Trung Quốc cũng đã đem lại lợi ích chính trị, ngoại giao không nhỏ cho Bắc Kinh.
 
Lợi ích rõ nhất có thể nhìn thấy ngay là sức mạnh trên trường quốc tế của Trung Quốc đã tăng lên khi bắt tay cùng Nga. Một liên minh Nga-Trung đương nhiên là khiến Mỹ và phương Tây phải dè chừng. Trên thực tế, trong sâu xa, giữa Nga và Trung Quốc còn lâu mới tin tưởng lẫn nhau, nhưng trong bối cảnh hiện nay, họ buộc phải tìm đến với nhau.
 
Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Trung Quốc đang bị Mỹ lấy làm mục tiêu để bao vây, kiềm chế. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, Mỹ phải dồn sự tập trung vào nơi đây và phải loay hoay đối phó với Nga. Rõ ràng, Trung Quốc được nới lỏng. Chính sách chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á mà Mỹ từng cấp tập thực hiện cũng bắt đầu giảm tốc.
 
Nếu không có sự kiện ở Ukraine, Trung Quốc rõ ràng đang phải đơn độc trong cuộc đối đầu với Mỹ và liên minh. Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc đã có thêm một đồng minh hùng mạnh.
 
Trung Quốc luôn chống lại các biện pháp trừng phạt và điều này được họ công khai thể hiện trong suốt thời gian qua. Bắc Kinh tin rằng, nếu phương Tây có thể sử dụng biện pháp trừng phạt để gây áp lực thành công lên một nước lớn như Nga thì Trung Quốc có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo. Vì thế, Trung Quốc được nhiên là rất sẵn sàng và vui mừng khi bắt tay cùng Nga mở rộng mối quan hệ nhằm thách thức Washington và đồng minh Châu Âu.
 
Có thể nói, người thắng cuộc bất ngờ trong cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm Ukraine hiện nay là Trung Quốc. Ukraine mất hàng nghìn người, kinh tế trên bờ vực đổ vỡ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, mất Crimea và nguy cơ nhãn tiền về việc mất luôn cả miền đông. Mỹ, EU để mình rơi vào thế bị động khi Nga tiến hành sáp nhập Crimea. EU và Nga gánh chịu những tổn thất kinh tế to lớn. Trong khi Mỹ, EU và Nga đều chịu những tổn thất nhất định thì Trung Quốc “lợi đơn lợi kép”.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc