Nga rầm rộ triển khai hàng nghìn vũ khí hiện đại

17:37, 01/10/2014
|

(VnMedia)Tư lệnh Lực lượng Mặt đất của Nga - Thiếu tướng Oleg Salyukov hôm nay (1/10) cho biết, Lực lượng Bộ binh Nga dự kiến sẽ tiếp nhận 5000 xe tăng mới và 6000 vũ khí nâng cấp cùng với 14.000 xe bọc thép hiện đại khác trước năm 2020.

“Tổng cộng đến năm 2020, quân đội Nga dự kiến sẽ mua hơn 5000 xe tăng và 6000 vũ khí nâng cấp cùng với 14.000 xe bọc thép hiện đại khác”, ông Salyukov, cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính phủ Nga đang lên kế hoạch mua xe tăng T-72B3 - một phiên bản nâng cấp từng xuất hiện trong các cuộc thi đấu xe tăng ở Moscow cũng như trong cuộc tập trận quân sự Vostok-2014 ở vùng Viễn Đông hồi đầu tháng 8 vừa qua.
 
Thiếu tướng Salyukov cũng tiết lộ, một số loại vũ khí khác được trang bị cho quân đội Nga sẽ bao gồm xe bọc thép tấn công BMP-3, xe bọc thép chở quân BMP-2 và BTR-82A.
 
Theo chương trình tái vũ trang chưa từng có tiền lệ của Nga thì tỉ lệ vũ khí tối tân được trang bị cho quân đội nước này sẽ đạt mức 70% vào năm 2020, so với mức 16% hiện nay.
 
Một số liệu phân tích được đưa ra hồi tháng 2 vừa qua cho thấy, mức chi tiêu cho quốc phòng của Nga dự kiến sẽ tăng khoảng 44%, lên mức 98 tỷ USD trong năm 2016. Con số này đã đưa Nga trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Nga tăng cường triển khai hệ thống tên lửa Iskander-M 

Ngoài ra, cũng theo Tướng Salyukov, quân đội Nga sẽ nâng số lữ đoàn được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M lên 7 hệ thống trước năm 2016. “Có 4 lữ đoàn tên lửa Iskander-M được đưa vào biên chế của quân đội Nga”, ông Slayukov cho biết.
 
“Thêm một lữ đoàn nữa ở Quân khu miền Trung sẽ được trang bị hệ thống Iskander trước cuối năm 2014, trong khi các quân khu miền Nam và miên Đông, mỗi quân khu sẽ tiếp nhận một lữ đoàn Iskander trong năm 2015”, ông nói.
 
Trước đó, ngày 20/9 vừa qua, Nga đã phóng thành công tên lửa Iskander-M trong cuộc tập trận Vostok-2014 ở vùng Viễn Đông. Đây là lần đầu tiên tên lửa này được phóng đi tại Quân khu miền Đông. Thiếu Tướng Mikhail Matvievsky – Chỉ huy Lực lượng Tên lửa và Pháo chiến lược thuộc Lực lượng  Mặt đất Nga khi đó nhấn mạnh: “Iskander là một trong những loại vũ khí mạnh nhất để đảm bảo cho an ninh của chúng ta”.
 
Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander (NATO gọi là SS-26 Stone) được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết.
 
Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.
 
Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
 
Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này. 

Nga thành lập Sở chỉ huy ở Bắc Cực 

Cùng với đó, cũng theo Tướng Oleg Salyukov, một Sở chỉ huy Bắc Cực mới của Nga cũng sẽ được thành lập trước năm 2017 và sẽ bao gồm 2 lữ đoàn. “Một lực lượng vũ trang đặc nhiệm phức hợp sẽ được thành lập để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga ở Bắc Cực”, Tướng Salyukov cho hay. 
 
Theo Thiếu Tướng, lữ đoàn thứ nhất sẽ được thành lập ở Murmansk, trong khi lữ đoàn thứ 2 sẽ được triển khai vào năm 2016 ở quận tự trị Yamal-Nenets.
 
Ông Salyukov cho biết, hai lữ đoàn này sẽ có nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ đường biển của Nga trên Bắc Cực, hộ tống tàu thuyền dọc tuyến Biển Bắc và chứng thực sự hiện diện quân sự của Nga ở Bắc Cực.

Bắc Cực gần đây lại càng trở thành tâm điểm của những tranh chấp giữa các quốc gia trên, đặc biệt là Nga và Canada khi mà tình trạng nóng lên của toàn cầu làm giảm băng trên biển, cho phép tiếp cận dễ dàng hơn với các mỏ dầu khí khổng lồ ở Bắc Cực.

Nga gần đây đang tích cực đẩy mạnh vị thế kinh tế, chính trị và quân sự của nước này ở Bắc Cực. Hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức ra chỉ thị thành lập một cơ quan hành chính mới quản lý các chính sách của Nga trong khu vực. Tổng thống cũng ra lệnh cho chính phủ Nga phải chuẩn bị một dự án hỗ trợ tài chính đầy đủ cho chương trình phát triển của Bắc Cực.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc