NATO tiếp tục 'ra tay' bảo vệ đồng minh

18:31, 19/08/2014
|

(VnMedia) - Hôm qua (18/8), Thủ tướng Đức – Angela Merkel đã đưa ra lời cam kết NATO sẽ bảo vệ các quốc gia vùng Baltic "bằng mọi giá", và sẽ tăng cường các cuộc tập trận trong khu vực.
 
Latvia, Estonia và Lithuania – các nước cộng hòa thuộc Xô-viết đều có người dân tộc thiểu số nói tiếng Nga đang lo lắng kịch bản như ở Crimea và Ukraine có lặp lại trên đất nước của họ.
 
Các quốc gia Baltic này đang kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự để củng cố Điều 5 trong quy định của NATO, theo đó, một cuộc tấn công nhằm vào một trong những thành viên của khối đồng nghĩa với một hành động gây hấn với tất cả các thành viên trong khối, buộc cả họ phải có hành động đáp trả.

Ảnh minh họa

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng những thỏa ước quy định trong Điều 5 trong hiệp ước phòng thủ của NATO sẽ không phải những gì chỉ tồn tại trên giấy mà chúng sẽ được đưa vào thực tế”, bà Merkel nói trong chuyến công du tới thủ đô Riga của Latvia.
 
Tại cuộc họp báo với Thủ tướng Latvia – Laimdota Straujuma, bà Merkel cho biết, Đức sẽ bắt đầu thực hiện các chuyến bay tuần tra không phận Latvia từ ngày 20/8 tới.
 
Theo Thủ tướng Merkel, NATO sẽ tăng cường hiện diện tại các vùng lãnh thổ Đông Âu, có thể thông qua các cuộc tập trận trong khu vực. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức một lần nữa bác bỏ khả năng thiết lập căn cứ lâu dài của NATO ở Latvia, Litva hay Estonia.
 
Bà Merkel cho biết thêm rằng, các lãnh đạo NATO sẽ thảo luận vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh ở Cardiff, xứ Wales vào ngày 4-5/9 và mong muốn các bên sẽ tìm kiếm được một quan điểm chung. Nhà lãnh đạo Đức khẳng định NATO không chỉ có hiệp ước nội khối mà còn có thỏa thuận về quan hệ NATO với Nga.
 
Bà Merkel thừa nhận tình trạng bất ổn ở Đông Ukraine sau khi Nga sáp nhập trở lại Crimea đã làm thay đổi tình hình an ninh trong khu vực và buộc NATO phải chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống cần thiết.
 
Chuyến thăm tới Latvia của Thủ tướng Merkel được tiến hành nhằm tái khẳng định sự ủng hộ Đức cũng như NATO với các nước khu vực Baltic, đồng thời chia sẻ quan ngại của các nước này trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở miền Đông Ukraine.
 
Trước đó , hôm 17/8, trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Deutschlandfunk, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin đã kêu gọi những sự hỗ trợ quân sự từ NATO và EU.
 
“Chúng tôi cần viện trợ quân sự. Bởi vì nếu được viện trợ, các đơn vị trên mặt đất của lực lượng quân đội sẽ hoạt động dễ dàng hơn”, ngoại trưởng Klimkin cho biết và lên tiếng kêu gọi EU và NATO hãy giúp sức Ukraine.
 
Ông bày tỏ hy vọng rằng, hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 9 tới sẽ đi đến quyết định về việc hỗ trợ chính trị và quân sự cho Ukraine, đất nước đang cần nhiều viện trợ để cải tổ và trang bị vũ trang cho lực lượng quân đội.
 
Ngoại trưởng Ukraine đã nêu đích danh Đức và thủ tướng Angela Merkel là lực lượng có khả năng đóng góp nhằm giải quyết xung đột.
 
Ông nói: “Thủ tướng Đức đang làm một công việc tuyệt vời. Bà Merkel nắm một vai trò quan trọng trong quá trình hoá giải mẫu thuẫn và giúp EU có một tiếng nói chung trong vấn đề này. Tuy nhiên, điều hiển nhiên là vẫn còn nhiều công việc phải làm để mang lại hoà bình cho Donetsk và Lugansk”.
 
NATO sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu
 
Trong một diễn biến liên quan khác, cùng quan điểm với Thủ tướng Đức Merkel, trong một bài báo được đăng tải trên tờ Wall Street Journal của mình, Tổng thư ký NATO - Anders Rasmussen và  Tổng tư lệnh các lực lượng NATO ở Đông Âu, Tướng Philip Bridlav  cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào tháng 9 tới, NATO có thể thông qua sự hiện diện lâu dài ở khu vực Đông Âu nhằm bao vây Nga.
 
Các nhà lãnh đạo khối đồng minh quân sự này đã lưu ý rằng, dự kiến, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales sắp tới, các nước thành viên NATO sẽ bàn thảo để ​​thông qua kế hoạch sẵn sàng hành động, đặc biệt để đối phó với Nga, quốc gia mà NATO đang có buộc gây ra bất ổn ở Ukraine.
 
Theo đó, các nước đồng minh phải đảm bảo các biện pháp dài hạn,xiết chặt vòng vây để bảo vệ các nước thành viên khác, bao gồm việc tăng cường tuần tra trên không, đưa tàu vào biển Đen và biển Baltic, cũng như tiến hành các cuộc tập trận tích cực hơn ở Đông Âu. Bên cạnh đó, kế hoạch cần phải bao gồm các yếu tố tăng cường lực lượng phản ứng nhanh của NATO, để họ có thể nhanh chóng triển khai quân tới các điểm bùng phát xung đột.
 
Các nhà lãnh đạo NATO cũng khẳng định, các kế hoạch bảo vệ các đồng minh trong khối là kế hoạch dài hạn và cần phải được duy trì lâu dài.
 
Được biết, trong những tháng gần đây NATO tăng gấp ba lần số lượng các cuộc tập trận ở những vùng khác nhau của châu Âu. Nhưng khi đó, Nga cũng tiến hành hoạt động huấn luyện của lực lượng vũ trang, vốn đã được lên kế hoạch từ năm 2013.
 
Gần đây nhất, vào ngày 6/8, chiếc tuần dương hạm lớp Ticonderoga, USS Vella Gulf (CG-72) của hải quân Mỹ đã tiến vào biển Đen. Tàu này được trang bị hệ thống phòng không và chống tên lửa Aegis, tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đánh chặn Standart Missile (SM).
 
Trước đó vào đầu tháng 7, tuần dương hạm này cũng đã  tiến vào biển Đen với mục đích “thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực” - theo như tuyên bố của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, tàu này đã rời khỏi biển Đen ra hoạt động tại Địa Trung Hải, rồi lại tiếp tục trở lại biển Đen.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc