Miền đông hết hy vọng trông chờ vào Nga

16:35, 11/07/2014
|

(VnMedia) - Một nhân vật hàng đầu trong lực lượng ly khai miền đông Ukraine hôm 9/7 cho biết, ông này đã mất hy vọng về việc lực lượng quân đội Nga sẽ ra tay hành động giúp họ và ông này đổ lỗi cho các nhà tài phiệt Nga về việc đã thuyết phục Moscow không can thiệp quân sự vào nước láng giềng.


Ông Pavel Gubarev – người đứng đầu nước cộng hòa tự xưng Donetsk cũng thừa nhận, có mâu thuẫn trong hàng ngũ lực lượng phòng vệ của họ và rằng tổ chức của ông không còn kiểm soát Sư đoàn Vostok gồm các chiến binh bảo vệ những chốt chặn an ninh chính ở bên ngoài thành phố thủ phủ của khu vực Donetsk.

 

Sau khi quân đội Ukraine đánh bật quân ly khai miền đông ra khỏi thành trì chính của họ ở Slavyansk hồi cuối tuần, giới chức Kiev tuyên bố, họ sẽ tiến tới phong tỏa thành phố Donetsk. Đây là nơi lực lượng phòng vệ miền đông đang đổ về, tổ chức lại đội hình, dựng lên hàng rào chướng ngại vật và các chốt chặn an ninh với quyết tâm cố thủ và chiến đấu đến cùng với quân chính phủ.

 

Tại một cuộc họp báo, ông Gubarev cho biết: "Chúng tôi muốn nhận sự giúp đỡ dưới hình thức là lực lượng Nga. Tuy nhiên, chúng tôi là những người thực tế và chúng tôi hiểu đó là điều không thể".

 

Lực lượng ly khai ở Donetsk và khu vực Luhansk gần bên liên tục kêu gọi Nga đưa quân lính “gìn giữ hòa bình” vào Ukraine khi cuộc chiến ở miền đông ngày một leo thang ác liệt. Moscow đã thể hiện họ không muốn làm như vậy và giới chức Nga cho biết, việc đưa một lực lượng gìn giữ hòa bình vào Ukraine chỉ có thể được thực hiện dưới sự cho phép của Liên Hợp Quốc.

 

Ông Gubarev tin rằng, những nhà tài phiệt Nga đã phản đối chiến dịch can thiệp quân sự vào miền đông Ukraine vì sợ rằng, công việc kinh doanh, làm ăn của họ sẽ bị ảnh hưởng. Nga cũng đang phải hứng chịu những đòn trừng phạt từ phương Tây về việc đã sáp nhập bán đảo Crimea xinh đẹp vào nước này hồi tháng 3 và vì cáo buộc cho rằng Moscow đã kích động tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine. Tình hình chiến sự ở đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 400 người trong 3 tháng vừa qua. Việc Nga đưa quân vào Ukraine chắc chắn sẽ khiến nước này phải đón nhận những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn, nghiêm khắc hơn từ Mỹ và phương Tây .

 

"Lo cho lợi ích của bản thân là điều dễ hiểu”, ông Gubarev đã nói như vậy.

 

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn mà quân miền đông đang phải đối mặt, ông Gubarev vẫn thể hiện thái độ cứng rắn và thách thức khi tuyên bố, nhóm của ông sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực của quân đội Kiev nhằm đánh chiếm thành phố Donetsk. “Không có nơi nào để rút lui. Đối với chúng tôi, mọi việc bây giờ hoặc là chiến thắng hoặc là chết”.

 

Các nước ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine của Nga

 

Thay vì đưa quân vào ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine , chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đang tích cực kêu gọi Kiev ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán. Nga đang ưu tiên cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng ngay sát nách.

 

Trong suốt thời gian qua, Nga nhiều lần lên tiếng kêu gọi và gây sức ép để Kiev ngừng ngay chiến dịch quân sự nhằm đàn áp miền đông, nam Ukraine . Nga thậm chí đã có một số nhượng bộ với mong muốn Kiev và các đại diện miền đông ngồi lại với nhau tìm hướng giải quyết hòa bình cho cuộc xung đột giữa họ. Những nỗ lực của Nga đã nhận được sự ủng hộ của các nước phương Tây.

 

Lãnh đạo của hai nước Pháp và Đức hôm qua (10/7) đã một lần nữa lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi thực hiện một lệnh ngừng bắn mới ở miền đông Ukraine của Moscow . Tuy nhiên, Pháp và Đức cũng yêu cầu Nhà lãnh đạo Putin ngăn chặn nguồn tiếp viện vũ khí và chiến binh từ Nga đi qua biên giới vào khu vực miền đông nam Ukraine .

 

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói với Tổng thống Putin rằng, việc nhanh chóng đạt được một giải pháp chính trị trong cuộc xung đột kéo dài 3 tháng ở miền đông Ukraine giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai là điều vô cùng quan trọng.

 

Trong cuộc điện đàm 3 bên giữa 3 nhà lãnh đạo Nga, Pháp Đức, ông Hollande và bà Merkel đã yêu cầu ông Putin “dùng tất cả ảnh hưởng cần thiết” của mình để gây áp lực lên lực lượng lykhai và để áp dụng “những biện pháp cụ thể cần thiết nhằm kiểm soát khu vực biên giới Nga-Ukraine ", văn phòng của Tổng thống Pháp đã cho biết như vậy trong một tuyên bố.

 

Nga bác bỏ những cáo buộc của chính phủ Ukraine và các chính phủ phương Tây cho rằng họ đang làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở miền đông bằng cách cho phép nguồn tiếp viện vũ khí và binh lính từ Nga, đi qua biên giới vào miền đông Ukaine một cách tự do.

 

Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố rằng, 3 nguyên thủ quốc gia của Pháp, Đức và Nga đã ủng hộ việc “thực thi nhanh chóng một lệnh ngừng bắn mới ở Ukraine và một cuộc họp của nhóm tiếp xúc” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine”.

 

3 nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Nga thường xuyên có các cuộc điện đàm về tình hình Ukraine . Họ cũng sẽ sớm có các cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, văn phòng của Tổng thống Hollande cho biết.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc