Diễn biến mới nhất vụ ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ

07:00, 11/07/2014
|

(VnMedia) - Theo thông tin mới nhất từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, vào lúc 9 giờ sáng ngày hôm nay (10/7), đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã tiến hành thăm lãnh sự và có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với 6 ngư dân Việt Nam đang bị Trung Quốc bắt giữ.
 

Ảnh minh họa
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf


Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình


Tại cuộc họp báo định kỳ diễn ra chiều nay ở thủ đô Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam có biện pháp gì để bảo hộ công dân trong vụ việc Trung Quốc bắt 6 ngư dân Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Lê Hải Bình cho biết: “Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng như các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân, đồng thời xác minh những vấn đề liên quan đến vụ việc.
 
Theo thông tin mới nhất từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, vào lúc 9 giờ sáng ngày 10/7/2014, đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã tiến hành thăm lãnh sự và có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với sáu ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS bị Trung Quốc bắt giữ. Hiện nay, sức khỏe các ngư dân hoàn toàn ổn định. Hiện 6 ngư dân đang bị lưu giữ tại cảng Tam Á, thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu nói riêng cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam nói chung vẫn đang tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc”.
 
Về đề nghị của phóng viên muốn biết kết quả làm việc của Cục Lãnh sự Việt Nam và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về việc Trung Quốc bắt tàu cá Việt Nam, lý do và vị trí bắt giữ, ông Lê Hải Bình cho hay: “Như tôi vừa thông báo, ngay khi có thông tin về vụ việc, Bộ Ngoại giao, cụ thể là Cục lãnh sự cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc đã tích cực làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng liên quan của phía Trung Quốc. Vấn đề quan trọng là xác định rõ vị trí, tọa độ nơi xảy ra vụ việc. Hiện các cơ quan vẫn đang làm việc với nhau để xác định đúng vị trí này"
 
Vấn đề Biển Đông, cụ thể là vụ việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam và đưa các giàn khoan khác đến Biển Đông vẫn là vấn đề được các phóng viên quan tâm, đặt nhiều câu hỏi. Khi được hỏi về vị trí giàn khoan Nam Hải 09 hiện tại đang ở đâu sau khi nó được Trung Quốc đưa vào giữa vùng chồng lấn chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây, cũng như vị trí của một số giàn khoan khác mà Trung Quốc đưa vào Biển Đông, ông Lê Hải Bình đã trả lời: “Như tại cuộc họp báo ngày 26/6, chúng tôi đã nêu rõ, Việt Nam quan tâm và theo dõi sát sao giàn khoan Nam Hải 09, các tàu và các giàn khoan khác của phía Trung Quốc. Hiện nay, theo các cơ quan chức năng Việt Nam, vị trí của giàn khoan Nam Hải 09 và các giàn khoan khác vẫn nằm ở vị trí chúng tôi đã thông báo trước đây”.
 
Vừa rồi tòa án trọng tài quốc tế có đưa ra phán quyết về tranh chấp giữa Bangladet và Ấn Độ, trong đó Bangladet giành phần thắng. Trả lời câu hỏi về việc liệu Việt Nam có biện pháp gì để học hỏi trường hợp từ Bangladet hay không, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho hay: “Những vụ việc và kết quả vừa rồi mà phóng viên nêu đã cho thấy và khẳng định một lần nữa là các biện pháp pháp lý là những biện pháp hòa bình, văn minh, phù hợp với việc giải quyết các tranh chấp hiện nay. Với sự tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với tòa trọng tài quốc tế, Việt Nam sẽ nghiên cứu kỹ càng các vụ án, tiền lệ án và các chuẩn mực quốc tế liên quan đến vấn đề”.
 
Phản ứng của Việt Nam trước vụ việc lộn xộn ở Campuchia
 
Tại cuộc họp báo chiều nay, ông Lê Hải Bình cũng đã trả lời câu hỏi về vụ việc lộn xộn mới nhất ở Campuchia cũng như vấn đề nhân quyền.
 
Đề cập đến vụ việc lộn xộn trước Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Campuchia, Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định: “Việc một số phần tử cực đoan tại Campuchia kiếm cớ tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh là hành động sai trái với ý đồ gây mất trật tự tại Campuchia, không phù hợp với quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Campuchia. Việt Nam đề nghị chính quyền Campuchia có các  biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nhữn hành động sai trái nêu trên”.
 
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của một phóng viên nước ngoài về việc một số nhà lập pháp Mỹ mới đây đã phê phán vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đồng thời so sánh vấn đề nhân quyền của Việt Nam với tình hình ở Trung Quốc, thậm chí là với Triều Tiên, ông Lê Hải Bình thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo các quyền cơ bản của công dân Việt Nam. Những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người cũng đã được cộng đồng quốc tế công nhận qua việc Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
 
“Trong thời gian qua, trong tinh thần thẳng thắn, mang tính xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi và đối thoại để nhằm tăng cường hiểu biết và thu hẹp sự khác biệt trong lĩnh vực quyền con người. Các quan chức trong chính quyền và các nghị sĩ  Hoa Kỳ cũng đã có nhiều dịp sang thăm Việt Nam và đã chứng kiến những thành tựu về mọi mặt của Việt Nam, trong đó có thành tựu trong lĩnh vực quyền con người.
 
“Trong bối cảnh đó, vẫn tồn tại một số ý kiến dựa trên những nguồn thông tin sai lệch, không khách quan và không phản ánh đúng về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam. Và chúng tôi cho rằng, những ý kiến đó đã đi ngược lại với những nỗ lực song phương, không có lợi cho việc tăng cường hiểu biết và những nỗ lực thúc đẩy quan hệ vì lợi ích của hai nước".


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc