Thủ đô Bangkok rung chuyển trước giờ G

19:57, 01/02/2014
|

(VnMedia) - Hàng chục tiếng súng chát chúa vang lên và ít nhất hai vụ nổ đã làm rung chuyển cả thủ đô Bangkok trong ngày hôm nay (1/2), khi chỉ còn vài giờ nữa là đến cuộc tổng tuyển cử ở đất nước Thái Lan. Đây là cuộc bầu cử được dự báo sẽ diễn ra căng thẳng và có khả năng bùng nổ bạo lực.

 

Ảnh minh họa

Nhiều người dân Thái Lan lên tiếng kêu gọi những người biểu tình hãy tôn trọng lá phiếu của họ.


Ít nhất 3 người đã bị thương trong hai vụ nổ và một loạt vụ nã súng xảy ra gần nơi chứng kiến cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và chống đối chính phủ Thái Lan.

 

Một người bị thương vì trúng đạn và hai người khác bị thương vì bom nổ ở khu vực phía bắc Laksi, gần với sân bay Don Muang – một thành trì của Đảng Puea Thai của nữ Thủ tướng Yingluck.

 

Vụ đụng độ trên bắt đầu bùng lên sau khi một nhóm người ủng hộ chính phủ Thái Lan diễu hành đến một văn phòng quận – nơi đang chứa các hòm bỏ phiếu. Khu vực này đang bị bao vây bởi lực lượng biểu tình chống chính phủ. Những người ủng hộ chính phủ Thái Lan đã tụ tập lại và yêu cầu lực lượng chống đối không được cản trở cuộc bầu cử vào ngày mai.

 

Bạo lực đã bùng lên khi hai phe đối lập đụng độ nhau ở ngay trước một trung tâm mua sắm ở phía bắc thủ đô Bangkok . Những tay súng đã trà trộn vào đám đông và đã nổ súng. Trước khi rút đi, các tay súng này được cho là đã giấu vũ khí đi. Những tiếng súng rời rạc tiếp tục vang lên khi mặt trời bắt đầu lặn.

 

Không rõ 3 người bị thương là những người biểu tình chống chính phủ hay là những người ủng hộ chính phủ.

 

Vụ tấn công trên diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày mai. Cuộc bầu cử này được cho là sẽ không thể tháo gỡ được tình hình chính trị rối ren ở đất nước Thái Lan.

 

10 người đã thiệt mạng và ít nhất 577 người đã bị thương trong chiến dịch biểu tình kéo dài từ tháng 11 đến giờ của lực lượng chống chính phủ.

 

Những người biểu tình đã đổ ra đường nhằm tìm cách lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck trong vòng xoáy bất ổn chính trị kéo dài đã 8 năm qua ở đất nước Thái Lan. Chính trường quốc gia Đông Nam Á đã chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt và không khoan nhượng giữa một bên là thành phần hoàng gia, trung lưu, thành thị chủ yếu ở Bangkok và khu vực phía nam với bên kia là tầng lớp nông dân, người nghèo chiếm đa số ở Thái Lan. Cuộc đối đầu này được châm ngòi từ cuộc đảo chính quân sự không đổ máu lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006. Ông này bị ghét cay ghét đắng bởi các thành phần hoàng gia, trung lưu thành thị còn gọi là phe áo vàng nhưng lại được yêu mến bởi những người nông dân, người nghèo thuộc lực lượng áo đỏ.

 

Thủ lĩnh phe biểu tình – ông Suthep Thaugsuban đã kêu gọi phong tỏa các con đường một cách hòa bình nhưng đồng thời cũng lên tiếng cam kết sẽ không ngăn chặn mọi người đi bỏ phiếu.

 

"Mọi người sẽ không đóng cửa các điểm bỏ phiếu nhưng sẽ thể hiện quan điểm của họ trên các con đường. Họ sẽ thể hiện một cách bình tĩnh, hòa bình và không có bạo lực... Chúng tôi sẽ không làm bất kỳ điều gì gây cản trở đối với những người muốn đi bỏ phiếu”, ông Suthep đã cam kết như vậy vào tối ngày hôm qua (31/1).

 

Trong lúc này, Tổng thư ký Ủy ban Bầu cử Thái Lan Puchong Nutrawong cho biết, các bước chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày mai “gần như đã hoàn thiện 100%" ở các tỉnh phía bắc, đông bắc và miền trung. Tuy nhiên, ở các quận ở thủ đô Bangkok và 12 tỉnh phía nam, người đi bỏ phiếu đang gặp vấn đề trong việc nhận lá phiếu bởi lực lượng biểu tình đang ngăn cản tiến trình chuyển giao các thùng phiếu đến điểm bỏ phiếu.

 

Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã chỉ đạo các nhân viên ngừng tiến trình bỏ phiếu nếu xảy ra bạo lực, hỗn loạn.

 

Cuộc bầu cử đầy bất thường

 

Có thể nói, theo bất kỳ tiêu chuẩn nào thì cuộc bầu cử ở Thái Lan vào ngày mai là bất thường. Do quá bận rộn với các cuộc biểu tình kéo dài dai dẳng suốt 3 tháng qua và tình trạng bất ổn xung quanh cuộc bầu cử, các ứng cử viên hầu như chẳng thực hiện bất kỳ chiến dịch tranh cử nào và cũng chẳng đưa ra được cương lĩnh tranh cử nào.

 

Mặc dù những người của Đảng Dân chủ - đảng phái chính trị lâu đời nhất ở đất nước Thái Lan, đã tuyên bố tẩy chay bầu cử nhưng báo chí Thái Lan vẫn đang xoay quanh câu hỏi liệu các nhà lãnh đạo của đảng này, trong đó có Chủ tịch đảng – cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, có đi bỏ phiếu hay không. Luật Thái Lan cấm các chính trị gia tranh cử nếu họ không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử trước đó.

 

Tờ Thai Rath – tờ báo có lượng phát hành lớn nhất Thái Lan, đã gọi những người của Đảng Dân chủ có ý định đi bỏ phiếu là những “kẻ đạo đức giả” bởi họ một mặt ủng hộ lực lượng biểu tình tìm cách phá hoại cuộc bầu cử nhưng mặt khác lại sẵn sàng “đóng dấu hợp pháp của họ vào tiến trình bầu cử” bằng cách đi bỏ phiếu.

 

Đảng Dân chủ là đảng duy nhất tẩy chay cuộc bầu cử. Hơn 50 đảng phái khác đã đăng ký tham gia bầu cử, trong đó có đảng được dẫn dắt bởi ông Chuwit Kamolvisit – một doanh nhân và là một nghị sĩ. Đảng của ông Chuwit được cho là sẽ thay thế Đảng Dân chủ trong vai trò là đảng đối lập trong Quốc hội sắp tới.

 

Ông Chuwit miêu tả các cuộc biểu tình hiện nay là nỗ lực giành giật quyền lực “đáng xấu hổ nhất” trong lịch sử của đất nước Thái Lan.

 

Ông Somchai Srisuthiyakorn – một thành viên của Ủy ban Bầu cử Thái Lan và là người được cho là đang nghiêng về phe biểu tình, đã bình luận trên trang Facebook rằng, cuộc bầu cử ngày mai có thể sẽ chứng kiến “số lượng cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất trong lịch sử Thái Lan” và đó có thể sẽ là cuộc bầu cử “gây bối rối”.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm qua đã lên tiếng kêu gọi những người biểu tình không ngăn cản cuộc bầu cử. Nếu không, Thái Lan sẽ được coi là đất nước phi dân chủ, bà Yingluck phát biểu trên tờ The Nation.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc