Thái Lan: Nóng bỏng trước giờ G

15:43, 01/02/2014
|

(VnMedia) - Những trạng thái tình cảm được đẩy lên cao độ, nỗi lo sợ về tình trạng hỗn độn, vô trật tự, quan ngại về bạo lực bùng nổ trong cuộc bầu cử vào ngày mai.... tất cả đều được thể hiện rõ nét trong một cộng đồng được gọi là Lat Krabang – cách sân bay quốc tế chính của Thái Lan chỉ vài phút lái xe.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Những người biểu tình thề lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang ra sức thể hiện quyết tâm phá hoại cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày mai. Trong khi đó, ở Lat Krabang, người dân ở đây đã đoàn kết lại với nhau và tuyên bố sẵn sàng đánh trả lại bất kỳ ai ngăn không cho họ đi thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ bỏ phiếu lựa chọn người lãnh đạo đất nước.

 

“Chúng tôi sẽ không nhượng bộ họ thêm một chút nào nữa. Tôi chắc chắn sẽ bỏ lá phiếu của mình”, ông Chalem Morse, 70 tuổi, phát biểu một cách chắc nịch như vậy. Ông Chalem hồi tuần trước đã chứng kiến tận mắt những người biểu tình tìm cách phá vỡ cuộc bỏ phiếu sớm và sau đó những người dân giận dữ đã đấm đá một trong những người biểu tình để phản đối hành động của họ.

 

Cuộc bầu cử vào ngày mai (2/2) được cho là sẽ không thể giải quyết được cuộc tranh giành quyền lực ở đất nước Thái Lan giữa một bên là những người ủng hộ Thủ tướng Yingluck với bên kia là thành phần đối lập. Những người này đang nung nấu mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng và quyền lực của gia đình Shinawatra khỏi chính trường Thái Lan, đặc biệt là cựu Thủ tướng Thaksin cũng là anh trai của bà Yingluck. Tuy nhiên, phe đối lập được tin là khó có thể đạt được mục tiêu mà họ đặt ra bởi ông Thaksin dù đã phải đi sống lưu vong ở nước ngoài suốt 8 năm qua nhưng vẫn duy trì một ảnh hưởng và quyền lực rất lớn trên chính trường Thái Lan. Ông này đã xây dựng cho mình một thành trì ủng hộ rộng khắp và vững chắc nhờ vào những chính sách dân túy làm lợi cho dân nghèo và dân nông thôn chiếm đa số ở quốc gia Đông Nam Á.

 

Phe đối lập, dưới sự dẫn dắt của Đảng Dân chủ, tuyên bố sẽ thách thức tính hợp pháp của cuộc bầu cử sắp tới. Bản thân Đảng Dân chủ đã tẩy chay cuộc bầu cử lần này. Và thậm chí, nếu tòa án Thái Lan tuyên bố kết quả cuộc bầu cử là hợp lệ thì cũng sẽ phải mất nhiều tháng để nước này thành lập được chính phủ mới bởi sẽ cần thêm nhiều cuộc bỏ phiếu nhỏ ở các quận nơi người biểu tình ngăn cản không cho các ứng cử viên đăng ký tham gia ứng cử.

 

Nhiều nhà quan sát đang sử dụng cụm từ “khoảng trống quyền lực” để miêu tả về tình trạng thiếu một bộ máy lãnh đạo có thể đoàn kết đất nước Thái Lan trong tình trạng bế tắc chính trị hiện nay.

 

Hành động tập thể của những người dân ở Lat Krabang là một biểu tượng đáng buồn cho thấy một hành động từng là bình thường trong cuộc bỏ phiếu ở Thái Lan giờ lại đòi hỏi cả sức mạnh và sự tổ chức của một cộng đồng để đơn giản là đảm bảo cho người dân có thể đi bỏ lá phiếu của mình mà không bị ngăn cản. Người dân ở đây cho biết, họ đã rút ra được kinh nghiệm từ những gì xảy ra trong cuộc bỏ phiếu sớm hôm Chủ nhật tuần trước, khi một đoàn gồm khoảng 100 người biểu tình đã đến Lat Krabang và dùng một chiếc xe tải lớn để chặn ngay trước cửa ra vào của điểm bỏ phiếu. Khu vực từng là một trường đấm bốc của Thái Lan đã trở thành một sự lựa chọn mạo hiểm cho những người biểu tình khi họ vấp phải phản ứng của những người dân đầy giận dữ - những người từng được đào tạo môn võ dân tộc của Thái Lan - Muay Thai. Một cuộc đụng độ, đẩu đả đã xảy ra vào một người biểu tình đã phải nhập viện vì bị đá vào đầu.

 

5 ngày sau đó, ông Kittichai – một cựu võ sĩ đấm bốc của Thái Lan, đã cho mọi người xem vết sưng ở chân của ông này gây ra từ cú đá vào trán người biểu tình. Ông Kittichai cho hay, người biểu tình đó đã chửi bới, mắng nhiếc và thách thức người dân muốn đi bỏ phiếu. Anh ta đã nói rằng: “Nếu mọi người muốn đi bỏ phiếu thì phải gặp tôi trước”. “Vì thế, tôi đã đáp ứng yêu cầu của anh ta”, ông Kittichai kể lại.

 

Trung tá Sayan Petyeunyong – Phó chỉ huy cảnh sát địa phương cho biết, các đơn vị cảnh sát sau đó đã phải áp giải những người biểu tình ra khỏi khu vực sau khi họ cầu xin được bảo vệ. “Khi họ đến, họ rất ồn ào. Họ còn cảnh báo: ‘Đừng làm chúng tôi nổi giận’. Tuy nhiên, khi họ rời đi, họ rất hoảng sợ và lặng như tờ”, ông Sayan cho biết.

 

Đoạn video ghi lại hình ảnh những người biểu tình phải được lực lượng cảnh sát hộ tống đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng Internet và nó đã trở nên nổi tiếng với tên gọi “kiểu mẫu Lat Krabang”. Những hình ảnh đó đã trở thành lựa chọn của nhiều cộng đồng để bảo vệ khu vực bỏ phiếu của họ không bị người biểu tình phá hoại.

 

Trung tá Sayan cho biết, cảnh sát sẽ tung toàn lực ra trong ngày mai để ngăn chặn bạo lực bùng phát trong cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, ông này dự đoán, lực lượng biểu tình sẽ sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau trong lần này để tìm cách ngăn chặn quá trình phân phát lá phiếu thay vì ngăn chặn người dân đi bỏ phiếu.

 

Hơn 90.000 điểm bỏ phiếu sẽ được mở cửa vào ngày mai và đa số các điểm bỏ phiếu, đặc biệt là ở phía bắc và đông bắc Thái Lan sẽ không có bất kỳ sự cản trở nào, giới chức TháiLan nhận định.

 

Tuy nhiên, thủ lĩnh biểu tình – ông Suthep Thaugsuban đã lên tiếng thề sẽ phá vỡ hoạt động bầu cử ở thủ đô Bangkok và khu vực phía nam Thái Lan – đại bản doanh của phe đối lập.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc