Việt Nam thắt chặt quan hệ với nhiều cường quốc

09:24, 01/02/2014
|

(VnMedia) - Năm 2013 được đánh giá là năm thành công vang dội của ngoại giao Việt Nam bởi đây là năm chứng kiến quan hệ giữa Việt Nam với một loạt nước lớn trên thế giới và trong khu vực nở rộ. 
 

Ảnh minh họa

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (bên trái) và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin


Không chỉ mở rộng, củng cố sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các cường quốc hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Mỹ..., Việt Nam còn nâng cấp và phát triển mạnh mẽ quan hệ gắn bó, thân thiết với một loạt nước lớn trong khu vực Châu Á và với các nước láng giềng xung quanh. Việc phát triển quan hệ hợp tác với một loạt các nước lớn, các nước quan trọng trên thế giới đã giúp Việt Nam tăng cường vai trò và vị thế của mình trên trường quốc tế. Và ngược lại, việc các cường quốc thế giới cũng như khu vực tìm đến, thắt chặt quan hệ với Việt Nam cũng chứng tỏ vị thế, vai trò đang ngày một gia tăng của Việt Nam trên "sân khấu" thế giới.
 
Từ quan hệ ngoại giao với các nước thăng hoa, Việt Nam đã mở rộng mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp rất nhiều cho công cuộc phát triển và xây dựng đất nước.
 
Quan hệ Việt-Nhật: Nồng ấm và sâu đậm
 
Chưa bao giờ, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản lại phát triển tốt đẹp như hiện nay. Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển đến phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân…
 
Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí nâng khuôn khổ quan hệ lên “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2009. Kể từ đó, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng mở rộng. Năm 2013 đánh dấu quan hệ Việt-Nhật đã đi qua được chặng đường 40 năm và ngày càng trở nên gắn bó, thân thiết. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới của ông này. Thậm chí, Thủ tướng Abe đã chọn đến thăm Việt Nam trước cả Mỹ - đồng minh thân thiết nhất và gắn bó nhất của Nhật Bản.
 
Tiếp sau chuyến thăm của ông Abe, cũng trong năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm đến Nhật Bản với mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản.
 
Hiện tại, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam với gần 20 tỷ USD vốn ODA cam kết giai đoạn 1993 - 2012. Quốc gia này cũng dẫn đầu về số dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
 
Quan hệ Việt-Nga: Đối tác không bao giờ phản bội nhau
 
“Tình hữu nghị giữa Nga và Việt Nam đã vững vàng vượt qua những thử thách nảy sinh từ nhiều sự kiện bi thương của thế kỷ XX cũng như những biến đổi kỳ vĩ trên thế giới và ở hai đất nước chúng ta. Có một điều còn mãi không bao giờ thay đổi trong quan hệ Việt-Nga, đó là quan hệ tôn trọng lẫn nhau, truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau, biết trân trọng sự giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của những đối tác không khi nào phản bội nhau”. Đây là câu đúc kết về quan hệ gắn bó keo sơn giữa Việt Nam và Nga của Tổng thống Vladimir Putin ngay trước thềm chuyến thăm của ông đến Hà Nội vào tháng 11 năm 2013.
 
Quan hệ giữa Nga và Việt Nam được đánh giá là đang phát triển hết sức tốt đẹp, có thể nói là chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ. Trong những năm qua, quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố về mọi mặt và ngày càng đi vào chiều sâu.
 
Với 3 chuyến thăm, đặc biệt là hai chuyến thăm liên tiếp trong 3 năm trở lại đây, Tổng thống Nga Putin đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến Việt Nam cũng như đến việc thúc đẩy phát triển mối quan hệ Nga-Việt.
 
Trong bài báo với nhan đề "Nga-Việt Nam: Cùng nhau đi tới những chân trời hợp tác mới", Tổng thống Putin từng thể hiện sự tin tưởng chắc chắn rằng, “khó có thể tìm được hướng hoạt động nào mà Nga và Việt Nam không phát triển sự hợp tác hiệu quả”.
 
Trong năm vừa qua, kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương đã tăng 20% và đạt 3,66 tỷ USD. Kế hoạch chung là đưa con số này lên 7 tỷ USD vào năm 2015. Và tiếp đó, tới năm 2020 sẽ là 10 tỷ USD. Một trong những minh chứng rõ nét nhất trong quan hệ hợp tác thành công giữa Việt Nam và Nga là trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí và điện nguyên tử.
 
Lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự cũng có những kết quả mới về chất. Trong chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Việt Nam, hai bên đã thảo luận chi tiết về lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.
 
Thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc
 
Hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc có Ban lãnh đạo mới, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường, củng cố sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
 
Trong chuyến thăm này, hai Thủ tướng đã trao đổi các phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
 
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, mục đích chuyến thăm của ông đến Việt Nam là nhằm thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ Trung Quốc trong việc làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống, mở rộng hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đạt được những tiến triển mới theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.
 
"Quan hệ Việt-Mỹ đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết"
 
Năm 2013 đánh dấu một sự kiện hết sức đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Đó là sự kiện, hai nước xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Mỹ vào tháng 7.
 
Hồi tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chuyến thăm đến Việt Nam theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
 
Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, ông Kerry cho rằng, mối quan hệ giữa hai nước Mỹ, Việt đang “phát triển mạnh mẽ hơn từng ngày khi chúng ta tiếp tục làm việc cùng nhau”. Những lĩnh vực hợp tác nổi bật mà ông Kerry nhắc đến là giáo dục và kinh tế.
 
Đề cập đến kinh tế, Ngoại trưởng Kerry cho biết: “Thương mại song phương đã tăng 50 lần kể từ năm 1995 lên đến hơn 25 tỉ USD mỗi năm. Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Mỹ tại khu vực, và chúng ta đang tiếp tục làm việc vì mục tiêu đó”.
 
Theo ông Kerry, “rõ ràng là quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi tin tưởng tuyệt đối rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ là những trụ cột của sự thịnh vượng lớn hơn và của sự thịnh vượng chung trong nhiều thập niên tới”.
 
Tổng kết lại hoạt động ngoại giao trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Chỉ riêng trong năm 2013, Việt Nam đã nâng cấp, xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược với 5 nước và xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện với một số nước, trong đó có Hoa Kỳ. Như vậy, cho đến nay, chúng ta đã hình thành khuôn khổ quan hệ với cả 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: với Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp là quan hệ Đối tác chiến lược và với Mỹ là quan hệ Đối tác toàn diện. Số quốc gia trên thế giới có mối quan hệ như Việt Nam với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo An còn rất ít. Ở châu Á, chúng ta đã xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ - là những quốc gia có vị trí, vai trò quan trọng trên thế giới. Tại Đông Nam Á, năm 2013, chúng ta đã nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược với 3 nước: Indonesia, Singapore và Thái Lan. Trong khu vực Đông Nam Á, rất ít quốc gia xây dựng được quan hệ Đối tác chiến lược với nhau. Ví dụ như Indonesia, bạn chưa xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược với một quốc gia nào trong khu vực và Việt Nam là quốc gia đầu tiên Indonesia chọn để thiết lập quan hệ này”.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc