Biển Đông cần có đường dây nóng liên quốc gia

07:03, 12/06/2013
|

(VnMedia) - Các nước có tranh chấp ở Biển Đông nên phi quân sự hóa những khu vực tranh chấp ở vùng biển chiến lược này để tránh một cuộc chiến tranh bùng nổ, một nhà phân tích hôm qua (10/6) đã đưa ra lời khuyên này.
 

 Ảnh minh họa


Trung Quốc là nước có những hành động quân sự hóa mạnh mẽ nhất ở Biển Đông


Phi quân sự hóa chỉ là một trong những giải pháp thực tế nhằm tránh xung đột xảy ra trong khu vực, Tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap – một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho biết.
 
Ông Chalermpalanupap đã có gần 20 năm làm việc trong Ban Thư ký ASEAN. Trong bài viết của mình, ông này cho rằng, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và các nước khác có tranh chấp ở Biển Đông nên thiết lập các đường dây nóng cũng như công bố và phát hành các bản đồ thể hiện tọa độ những khu vực thuộc chủ quyền của họ.
 
"Các bên tranh chấp có thể ngừng hoạt động củng cố lực lượng và bắt đầu giảm dần sự chiếm đóng về quân sự ở những vùng tranh chấp. Tất cả các nước, trừ Brunei, hiện giờ đều triển khai quân” ở các khu vực tranh chấp, ông Chalermpalanupap cho hay.
 
Theo nhà phân tích Singapore, trong khi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) không khuyến khích mọi người “đến sống ở những quần đảo, bãi cạn, bãi đá ngầm...” đang nằm trong tranh chấp và chưa có người đến ở thì tuyên bố này lại không đả động gì đến vấn đề triển khai binh lính tại những vùng tranh chấp đó.
 
"Rất may, những lực lượng quân đội này chưa phải đối mặt với bất kỳ sự thù địch vũ trang trực tiếp nào. Việc rút quân trên cơ sở nhận thức rằng làm điều đó sẽ không gây hại cho bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của các nước được xem là một hành động thiện chí”, ông Chalermpalanupap nói.
 
Ông Chalermpalanupap cũng cho rằng, việc thành lập một mạng lưới liên lạc khẩn cấp giữa các nước có tranh chấp sẽ cho phép các chính phủ nhanh chóng tiếp xúc với nhau và giúp giảm căng thẳng trong bất kỳ tình huống nào ở bất kỳ khu vực tranh chấp nào trước khi nó leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang hay một cuộc khủng hoảng quốc tế. Điều này đã từng được Brunei đề xuất trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 7.
 
"Đề xuất trên có thể được thảo luận thêm và có thể được tiến hành trong khuôn khổ tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác (ADMM+). Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN sẽ đối thoại với 8 đối tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh hàng hải", ông Chalermpalanupap cho biết.


Kiệt Linh - (theo abs-cbnnews)

Ý kiến bạn đọc