Trung Quốc xây hạ tầng trên bãi cạn Biển Đông?

08:12, 11/06/2013
|

(VnMedia) - Không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng mới ở bãi cạn Scarborough nhưng tàu của nước này tiếp tục hiện diện trong khu vực tranh chấp, một chuyên gia quốc phòng chuyên giám sát tình hình Biển Đông hôm qua (9/6) đã tiết lộ như vậy.
 

 Ảnh minh họa

 Bãi cạn Scarborough


Theo ông Rommel Banlao thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines, những thông tin về việc Trung Quốc được cho là đang xây dựng cơ sở hạ tầng ở bãi cạn Scarborough là không chính xác.
 
“Đó là thông tin không đúng sự thực”, ông Banlaoi cho tờ STAR biết.
 
“Không có cơ sở mới nào được dựng lên ở bãi cạn Scarborough. 3 tàu hải giám và một tàu chỉ huy thực thi luật ngư nghiệp của Trung quốc đang có mặt trong khu vực”, ông Banlaoi nói. Ông này khẳng định, việc xây dựng các công trình trên bãi cạn Scarborough có thể làm phức tạp thêm cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
 
“Thông tin nếu được xác nhận về tính chính xác sẽ làm gia tăng nỗi quan ngại về an ninh khu vực bởi việc thiết lập một cơ sở mới trong vùng tranh chấp sẽ đi ngược lại với Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông”, ông Banloi cho hay.
 
“Điều đó cũng sẽ đặt ra một tiền lệ có thể làm thay đổi sự nguyên trạng trong khu vực. Sự thay đổi nguyên trạng có thể làm phức tạp thêm bản chất vốn đã rất phức tạp của các cuộc tranh chấp ở Biển Đông”, chuyên gia quốc phòng Philippines cho biết.
 
Năm 2002, các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với mục đích nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình. Tuy nhiên, kể từ đó, hai bên vẫn chưa đưa ra được những hướng dẫn cụ thể, mang tính ràng buộc trong việc thực hiện DOC.
 
Các bên ký DOC đã cam kết “kiềm chế không đưa ra các hoạt động và cách ứng xử có thể làm phức tạp, leo thang hay ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định trong khu vực”.
 
Tuy nhiên, báo chí dẫn những nguồn tin giấu tên chưa được kiểm chứng nói rằng, quân đội Philippines đã ghi lại được những hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng ở bãi cạn Scarborough.
 
Theo những nguồn tin trên, ít nhất 2 tàu của Trung Quốc trong khu vực đã thả nguyên vật liệu xây dựng xuống bãi cạn Scarborough.
 
Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
 
Bãi cạn Scarborough là nơi chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài hơn 2 tháng giữa Philippines và Trung Quốc hồi năm ngoái. Cuộc khủng hoảng này được châm ngòi từ sự kiện tàu chiến Philippines chạm trán với tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực bãi cạn này hồi tháng 4/2012. Kể từ đó, tàu Trung Quốc nhất quyết không chịu rút khỏi bãi cạn Scarborough bất chấp nước này có thỏa thuận với Philippines về việc rút toàn bộ tàu thuyền hai bên ra khỏi khu vực sau cuộc đối đầu căng thẳng nói trên.
 
Điều đáng nói là sau vụ va chạm tàu thuyền hồi tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc hiện giờ đang kiểm soát bãi cạn Scarborough, khiến ngư dân Philippines lao đao, khốn khổ vì mất đi ngư trường đánh cá truyền thống.
 
Hải quân Philippines được trang bị kém đã không thể ngăn chặn “những kẻ xâm nhập” đánh bắt hải sản ở khu vực ngư trường đánh cá truyền thống của họ.
 
Chính phủ Philippines cho biết, họ không có ý định đưa tàu thuyền tới bãi cạn Scarborough để khẳng định chủ quyền ở khu vực này dù cho tàu Trung Quốc đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các ngư dân địa phương.
 
“Chúng tôi đang theo đuổi chính sách tránh phản ứng trước các hành động hoặc tuyên bố khiêu khích có thể đẩy chúng tôi vào tình trạng căng thẳng”, phó phát ngôn viên tổng thống Philippines – ông Abigail Valte cho biết.

Không thể bảo vệ Scarborough bằng sức mạnh, hồi tháng 1, Philippines đã quyết định đưa các cuộc tranh chấp giữa họ với nước láng giềng Trung Quốc ở Biển Đông ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Manila tuyên bố muốn thức thách thức tính pháp lý của yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đưa ra. Theo yêu sách phi lý đó, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, mở rộng đến tận những khu vực nằm sát bờ biển của các nước láng giềng. Đường 9 đoạn của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và vì thế nó vấp phải sự phản đối dữ dội của các học giả, các chuyên gia trên toàn thế giới.

Bắc Kinh đã phản đối đưa các cuộc tranh chấp ở Biển Đông ra giải quyết ở tòa án quốc tế và hành động này của họ cũng đã chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận thế giới. Một chuyên gia luật hàng đầu của Mỹ từng nói, việc Trung Quốc bác bỏ đề xuất của Philippines khiến họ chẳng khác gì “một kẻ bắt nạt” trong cộng đồng quốc tế.


Kiệt Linh - (theo Philstar)

Ý kiến bạn đọc