Đáng sợ “thùng thuốc súng" Trung - Nhật

18:44, 26/02/2013
|

(VnMedia) - Cuộc tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản là một “thùng thuốc súng” đáng sợ. Đây là nhận định vừa được cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á – ông Kurt Campbell đưa ra ngày hôm qua (25/2).
 

 Ảnh minh họa

 Cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật-Australia mới nhất


Ông Campbell cho rằng, cuộc tranh chấp Trung - Nhật hiện này đang tạo ra một môi trường ngày càng khó khăn và nguy hiểm cho Australia. Vì thế, Canberra cần phải duy trì một mức chi tiêu quân sự thực tế.
 
"Trong 4 năm ở trên cương  vị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ vừa qua, tôi đã đối mặt với rất nhiều tình huống khó khăn nhưng chưa có tình huống nào khó khăn hơn cuộc tranh chấp hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tôi hiếm khi thấy các nhà ngoại giao của cả hai bên (Trung Quốc và Nhật Bản) khiếp sợ hơn thế và cả hai bên đều không có bất kỳ dấu hiệu nào về sự rút lui hay nhượng bộ”, ông Campbell cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Australian.
 
Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp nhau một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku. Trong những tuần gần đây, cuộc tranh chấp này đang tiến sát gần hơn đến bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang trên biển.
 
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cáo buộc Bắc Kinh có “nhu cầu thâm căn cố đế” trong việc tạo ra các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng để khuấy động sự ủng hộ trong nước.
 
Ông Abe tuyên bố, ưu tiên hàng đầu của ông là “làm cho Trung Quốc nhận thấy rằng họ sẽ không thể thay đổi các quy định hay chiếm đóng lãnh thổ, lãnh hải của các nước khác bằng cách cưỡng ép, dọa dẫm”.
 
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tin rằng, cuộc tranh chấp Trung-Nhật đang thực sự nguy hiểm xét trên yếu tố quân sự: "Họ là những cường quốc tương xứng. Chúng tôi lo ngại về những diễn biến bất ngờ, không thể dự đoán được trước. Cả hai nước đều luôn có sẵn lực lượng bảo vệ bờ biển và quân đội để hành động. Chúng tôi kêu gọi cả hai bên hãy quay trở lại bàn đàm phán và đối thoại với nhau", ông Campbell nói.
 
Cũng theo lời cựu Thứ trưởng Campbell, Washington không muốn đứng ra làm vai trò trung gian trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông mà chỉ đưa ra “một số ý kiến cũng như sự giúp đỡ” cho cả hai bên.
 
Ông Campbell lo ngại, tranh chấp Trung - Nhật sẽ gây ảnh hưởng cho nền kinh tế của cả hai nước và có thể gây ảnh hưởng cả cho an ninh đường biển tại các vùng lãnh hải xung quanh.
 
Đông Á hiện tại là “đầu tầu của nền kinh tế toàn cầu” và vị thế này phải được đặt trên thiện chí và sự thỏa hiệp giữa Bắc Kinh và Tokyo, ông Campbell cho biết.
 
Ông Campbell đã kết thúc nhiệm kỳ làm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ hôm 8/2 vừa rồi và hiện tại ông vừa thành lập một công ty tư nhân mang tên Asia Group đồng thời quay trở lại vị trí Chủ tịch của một tổ chức tư vấn do ông sáng lập trước đây gọi là Trung tâm An ninh Mỹ mới.
 
Ông Campbell nổi tiếng là Trợ lý Ngoại giao phụ trách vấn đề Đông Á có ảnh hưởng nhất kể từ cuối Chiến tranh Lạnh đến giờ. Ông này được cho là đã rất “kinh hãi” trước việc Australia cắt giảm ngân sách cho quốc phòng.
 
Australia trước mối đe dọa mang tên Trung Quốc
 
Australia được cho là đang bị kẹt ở giữa trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một tướng Trung Quốc từng cảnh báo, Australia không được đứng về phía Mỹ hoặc Nhật Bản trong cuộc tranh chấp nói trên mà hãy làm “một con cừu” để Trung Quốc có thể giúp đỡ phát triển kinh tế.
 
Tuy nhiên, bản thân Australia với tư cách là một nước lớn trong khu vực cũng cảm thấy Trung Quốc là một mối đe dọa đối với họ. Điều này lý giải tại sao trong thời gian vừa qua, nước này “bắt tay” liên minh với nhiều nước để đối trọng với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và lấn lướt trong khu vực.
 
Hồi tháng 7 năm ngoái, Australia từng ký một thỏa thuận quân sự với Philippines – nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, binh lính Australia sẽ được phép vào lãnh thổ của Philippines để tham gia tập luyện trong các cuộc tập trận chiến đấu với lực lượng nước này. Đây là hiệp ước từng bị các thượng nghị sĩ Philippines cản trở trong nhiều năm qua nhưng trước những cái mà họ miêu tả là mối đe dọa hiền hiện từ Trung Quốc, thỏa thuận này đã được phê chuẩn nhanh chóng trong năm qua.
 
Ngoài liên minh với Philippines, Australia còn củng cố quan hệ đồng minh gắn bó với Mỹ với mục đích ngầm là nhằm "kìm" Trung Quốc. Australia đã mở đường cho cường quốc quân sự số 1 thế giới triển khai lính thủy đánh bộ đến lãnh thổ của nước Châu Á này theo một thỏa thuận mà hai nước này đã đạt được hồi cuối năm 2011.
 
Mỹ cũng đang thuyết phục Australia cho phép triển khai một tàu sân bay thiện chiến của nước này ở trên lãnh thổ Australia. Nếu thuyết phục được Australia, Mỹ sẽ có hai nhóm tàu sân bay tấn công hùng mạnh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Chưa hết, Australia còn thắt chặt quan hệ đồng minh 3 bên Mỹ - Australia, Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc. Năm ngoái và năm nay, 3 nước này đều tổ chức một cuộc tập trận rầm rộ trên bầu trời và trên biển Tây Thái Bình Dương với mục tiêu là nhằm đối phó với Trung Quốc và các mối đe dọa tiềm năng khác. Cuộc tập trận này được diễn ra hàng năm nhằm mục đích huấn luyện cho các lực lượng không quân Mỹ, Nhật Bản và Australia có thể chiến đấu bên cạnh nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng quân sự.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc