Trung Quốc ngang nhiên xây dựng cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa

07:07, 27/08/2012
|

(VnMedia) - Tờ China Daily của Trung Quốc hôm nay (27/8) đưa tin, nước này đã khởi công xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng đầu tiên ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” hôm 25/8. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và bất chấp dư luận quốc tế của Trung Quốc.

 

Theo China Daily cho biết, khoảng 10h sáng hôm thứ Bảy (25/8), ông Xiao Jie – thị trưởng đầu tiên của cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã ra lệnh cho xe ủi đến bắt đầu đào đất để khởi công xây dựng hai cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là quần đảo vốn hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam .

 

Cụ thể, Trung Quốc đang bắt tay vào xây dựng một nhà máy xử lý rác thải và một nhà máy xử lý nước thải. Dự kiến hai nhà máy này sẽ được đưa vào sử dụng trong vòng 1 năm tới. Nhà máy xử lý rác thải sẽ làm công việc phân loại và nén rác thải được tập hợp từ đảo Phú Lâm và các hòn đảo xung quanh. Sau đó, số rác thải này sẽ được chuyển về đảo Hải Nam để xử lý. Trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải sẽ chịu trách nhiệm xử lý 800 tấn mét khối nước thải một năm.

 

Giới chức của cái gọi là “thành phố Tam Sa” tuyên bố, hai dự án trên là nhằm để tăng cường công tác bảo vệ môi trường; cải thiện điều kiện sống cho người dân; bảo vệ tính đa dạng của các loài sinh vật biển cũng như củng cố ngành đánh bắt cá.

 

Trung Quốc còn có ý định xây dựng nhà máy lọc nước mưa và xử lý muối trong nước biển ở đảo Phú Lâm của Việt Nam .

 

Trước đó, Ủy ban Phát triển Du lịch tỉnh Hải Nam cho biết, tỉnh này đang lên kế hoạch đưa tàu du lịch từ Hải Nam đến cái gọi là “thành phố Tam Sa” vào cuối năm nay.

 

Một loạt động thái mới ở trên của Trung Quốc tiếp tục là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Hồi giữa tháng 7, Trung Quốc đã ngang nhiên thông báo thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau khi dựng lên chính quyền ở đây, Trung Quốc tiếp tục thông báo kế hoạch đưa quân đến đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này. Đây là một trong những động thái gây sóng gió lớn nhất ở Biển Đông trong thời gian qua của Trung Quốc.

 

Rõ ràng, Trung Quốc đang liên tiếp có những hành động hiếu chiến, gây hấn, bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận thế giới trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông. Điều này đã gây lo ngại cho không chỉ người dân thế giới mà cả người dân ở chính đất nước Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được ngay cả với chính người dân của nước này.


Biên tập viên Chu Phương của tờ Tân Hoa xã tháng trước từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc.


Hôm 17/7, đúng ngày Trung Quốc tiến hành những bước đi nhằm dựng lên một chính quyền ở cái gọi là "thành phố Tam Sa", nhà báo Chu Phương đã cho đăng bài viết “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc”.

Trong bài báo này, ông Chu Phương viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra ‘thành phố Tam Sa’ là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế... Chúng ta từ nhỏ đã được nhìn thấy tấm bản đồ Nam Hải (Biển Đông).
Một đường biên giới đứt đoạn rất thô màu hồng đưa toàn bộ Nam Hải vào trong bản đồ Trung Quốc. Cho đến ngày nay chúng ta mới biết sự thực không phải như vậy. Cái đường biên giới quốc gia ấy không những các nước láng giềng và cả quốc tế không công nhận, mà ngay chính phủ và các học giả nước ta (Trung Quốc) cũng không giải thích rõ được”.


Trước đó, ngày 29/6, Chu Phương viết bài: “Thiết lập ‘thành phố Tam Sa’ là trò cười quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ ngay!”. Bài này đã được nhiều diễn đàn mạng đăng lại.


Chu Phương viết: “Nhiều người dân nước ta đến giờ vẫn không hiểu Nga tại sao lại lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập quân sự lớn Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo. Kỳ thực, đó chính là sự phản ứng mạnh mẽ của quốc tế trước hành động thiết lập ‘thành phố Tam Sa’ đi ngược lại luật quốc tế và vô trách nhiệm của Trung Quốc.


Nếu giai tầng lãnh đạo Trung Quốc đến giờ vẫn không đọc hiểu được thứ ngôn ngữ quốc tế chung đó thì sẽ kéo nhân dân Trung Quốc sa vào một cuộc chiến tranh không thể thoát ra.
Việc thiết lập ‘thành phố Tam Sa’ là một trò cười quốc tế điển hình. Chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận sõ sai lầm to lớn của mình, sớm có hành động sửa chữa sai sót.


Bản thân tôi mạnh mẽ kêu gọi: hãy lập tức hủy bỏ ‘thành phố Tam Sa’, triển khai sớm nhất có thể được việc đối thoại mang tính xây dựng với các nước xung quanh Nam Hải (Biển Đông), dốc sức cho việc làm dịu tình hình căng thẳng ở Nam Hải, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc quay trở lại với đại gia đình quốc tế”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc