Bất ổn khi các cường quốc “đụng” nhau tóe lửa

18:54, 26/08/2012
|

(VnMedia) - Những ngày gần đây, người ta liên tục phải chứng kiến những cuộc đối đầu “tóe lửa” giữa các cường quốc hàng đầu thế giới. Cùng với những diễn biến căng thẳng ở khu vực Trung Đông và Châu Á, các cuộc “đụng độ” quyết liệt giữa những cường quốc đang khiến thế giới trở nên bất ổn một cách đáng lo ngại.
 
Trung-Nhật trên bờ vực của một cuộc chiến trên biển
 
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang vô cùng căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhiều người lo ngại về viễn cảnh nổ ra một cuộc chiến trên biển giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á này.
 
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Cuộc tranh chấp này là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Mới đây, căng thẳng giữa hai cường quốc Châu Á lại nổi lên mạnh mẽ sau khi xảy ra sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đã xông lên cắm cờ của họ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này.
 
Ngay lập tức, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đáp trả bằng cách đâm thủng tàu Trung Quốc và bắn súng vòi rồng vào con tàu này. Nhật Bản còn tiến hành bắt giữ toàn bộ 14 nhà hoạt động Trung Quốc. Đây là lần thứ hai Nhật Bản bắt giữ người của Trung Quốc vì vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vụ bắt giữ người Trung Quốc năm 2010 của Nhật Bản từng gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng nhất giữa hai nước trong nhiều năm trở lại đây.
 
Và lần này, vụ bắt giữ các nhà hoạt động Trung Quốc của Nhật Bản cũng gây ra một trận “bão lớn” không kém “cơn bão” cách đây 2 năm. Tướng diều hâu La Viện của Trung Quốc đã kêu gọi nước này phái 100 tàu đến bảo vệ Điếu Ngư/Senkaku. Tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 20/8 còn cảnh báo: “Nhật Bản sẽ phải trả giá về những hành động của họ... và hậu quả sẽ tồi tệ hơn họ dự đoán rất nhiều”.
 
Nhật Bản cũng đáp trả bằng một chuyến đổ bộ và cắm cờ lên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku của một số nhà hoạt động và tiến hành tập trận chung với Mỹ. Các lực lượng Nhật Bản đã phối hợp với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương diễn tập các bài tập chiếm đảo đầy hàm ý.
 
Sau các động thái trên, người Trung Quốc đã đổ ra đường biểu tình, đập phá xe hơi và các nhà hàng Nhật Bản trong khi giới lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh liên tục đưa ra những lời đe dọa, cảnh báo nhằm vào cả Tokyo lẫn Washington.
 
Một loạt những diễn biến trên khiến người ta lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà nhận định tin rằng, cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đều muốn tránh kịch bản xấu này bởi nếu nó xảy ra, họ sẽ mất nhiều hơn là được, đặc biệt là ở phía Trung Quốc.
 
Mỹ-Nga trước nguy cơ rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh

Ngoài cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tuần này, người ta còn chứng kiến mâu thuẫn lại nổi lên giữa Nga và Mỹ.
 
Việc Moscow hôm 20/8 cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Washington có thể nói lên phần nào mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này.
 
Quan hệ Nga-Mỹ vẫn tiếp tục căng thẳng vì những mâu thuẫn cũ đã tồn tại từ lâu như vấn đề lá chắn tên lửa hay vấn đề Syria. Tuy nhiên, do không được giải quyết, những mâu thuẫn đó cứ kéo dài dai dẳng và ngày càng khoét sâu vào mối quan hệ vốn đã không mấy tốt đẹp giữa hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh.
 
Mới đây, Nga tiếp tục thể hiện sự khó chịu, bất an trước kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu. Đây chính là một trong những cái dằm khó chịu nhất chưa được gỡ bỏ trong mối quan hệ giữa Moscow và  Washington.
 
Hôm 20/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo, “bất kỳ hành động đơn phương hay đa phương nào nhằm xây dựng một hệ thống lá chắn tên lửa đều sẽ dẫn đến nguy cơ về một cuộc Chiến tranh Lạnh”. Dự án lá chắn tên lửa là một phép thử đối với sự chân thành của Washington trong cam kết bảo đảm an ninh cân bằng ở Châu Âu, ông Lavrov nói thêm. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tái khẳng định, yêu cầu tiên quyết của Moscow vẫn là “một sự đảm bảo có tính ràng buộc về pháp lý” về việc hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ không được sử dụng để chống lại họ.

Moscow luôn phản đối mạnh mẽ việc Mỹ muốn dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu vì coi hệ thống này là mối đe dọa đối với an ninh nước Nga. Đáp lại, Washington luôn khẳng định, hệ thống lá chắn tên lửa của họ chỉ nhằm vào Iran và Triều Tiên, không nhằm vào Nga.
 
Moscow muốn Mỹ và NATO đảm bảo bằng văn bản rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ định dựng lên ở Châu Âu không nhằm vào khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã từ chối yêu cầu này. Mặc dù Nga với Mỹ và NATO đã tiến hành rất nhiều cuộc đàm phán xung quanh vấn đề lá chắn tên lửa ở Châu Âu nhưng cho đến nay, các cuộc đàm phán này vẫn rơi vào bế tắc. Kết quả là quan hệ Nga-Mỹ liên tục căng thẳng vì vấn đề lá chắn tên lửa.
 
Ngoài mâu thuẫn về vấn đề lá chắn tên lửa, Nga và Mỹ còn “đụng” nhau tóe lửa về vấn đề Syria. Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Syria nổ ra từ hồi tháng 3 năm ngoái, Moscow và Washington đã mâu thuẫn sâu sắc với nhau về cách thức xử lý vấn đề Syria. Trong khi Mỹ đứng về phía phe nổi dậy Syria và muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thì Nga lại đứng lên bênh vực cho chính phủ Syria.
 
Trong những ngày vừa qua, lần đầu tiên giới quan chức Mỹ liên tục có những phát biểu ám chỉ đến khả năng can thiệp quân sự vào Syria. Phản ứng trước diễn biến này, giới quan chức Nga cũng liên tục có những phát biểu mang đầy tính cảnh báo rằng, Mỹ không được đơn phương can thiệp vào Syria. Moscow nhấn mạnh, chỉ có Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới có quyền quyết định có can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông hay không.
 
Mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ ở trên thực chất là một cuộc tranh giành miếng bánh lợi ích ở Syria. Cả hai đều muốn có được Syria để phục vụ lợi ích cho nước mình. Nếu Nga, Mỹ không đạt được một thỏa thuận làm hài lòng cả hai bên trong vấn đề Syria thì rất có thể sẽ có một cuộc chiến Nga-Mỹ nổ ra ở đây.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc