Rầm rộ cuộc đua vũ khí mới Nga - Trung - Ấn

06:38, 27/08/2012
|

(VnMedia) - Thời gian gần đây, để chứng minh sức mạnh quân sự của mình, nhiều quốc gia trên thế giới đua nhau khoe các loại vũ khí tối tân mới, trong đó có Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là những động thái làm các quốc gia đối trọng lo ngại.

Nga thử nghiệm thành công siêu chiến đấu cơ T-50
 
Nhà sản xuất chiến đấu cơ lớn của Nga – Sukhoi hiện nay đang tiến hành thử nghiệm một loạt tính năng mới cho siêu chiến đấu cơ T-50. Mới đây nhất,mẫu thử nghiệm thứ hai của chiến đấu cơ thế hệ thứ năm T-50 này đã thử nghiệm thành công khả năng tiếp cận máy bay tiếp dầu Il-78 với sự phối hợp của oanh tạc cơ Su-25UB.
 
Ngoài ra, mẫu máy bay T-50 thứ hai này đã qua thử nghiệm về tính ổn định, khả năng kiểm soát và độ bền vững ở phạm vi rộng trong các chế độ bay cận và đạt tốc độ siêu âm dưới các cấu hình khác nhau.
 
Nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên loại máy bay chiến đấu tương lai T-50 cũng đang trải qua quá trình chuẩn bị cho một chương trình bay thử nghiệm với góc tấn công siêu rộng cũng như các thử nghiệm về khả năng cơ động. Được biết, trong tháng 8 này, nguyên mẫu thứ 3 của T-50 sẽ bắt đầu được đưa vào thử nghiệm với hệ thống radar mới có ăng-ten mảng pha chủ động và các kênh quang học.

Ảnh minh họa

Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Sukhoi T-50 được đánh giá là mang những đặc tính kỹ thuật tiên tiến bậc nhất trên thế giới, với khả năng tàng hình, tốc độ bay siêu âm và tích hợp các hệ thống điện tử tối tân. Các máy bay Т-50 có thể bay với tốc độ tối đa lên tới 2100km/h với tầm hoạt động 5500 km.
 
Thuộc dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm, T-50 có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ tiêm kích cũng như cường kích, kể cả nhiệm vụ do thám. Về vũ khí, tùy theo mục đích sử dụng, T-50 có thể mang theo 8 tên lửa không đối không R-77 hoặc 2 bom có điều khiển nặng 1500 kg.
 
Được biết, mẫu T-50 thứ tư sẽ được đưa và thử nghiệm vào cuối năm nay. Những chiếc T-50 đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào biên chế của Không lực Nga sau năm 2015. 
 
Trung Quốc thử nghiệm tên lửa có khả năng phá hủy mọi mục tiêu trên đất Mỹ
 
Báo chí quốc tế tuần qua liên tục đưa tin về vụ thử nghiệm đầu tiên đối với một hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa, được cho là có khả năng phá hủy mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ của Trung Quốc.
 
Tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa mới của Trung Quốc tên gọi DF-41 đã được quân đội nước này bắn thử lần đầu tiên hôm 24/7 tại trung tâm thử nghiệm vũ trụ và tên lửa Ngũ Trại thuộc tỉnh Sơn Tây, miền đông nước này.

Ảnh minh họa

Tên lửa DF-41 sẽ là tên lửa đầu tiên của Trung Quốc được trang bị năng lượng hạt nhân, có thể được sử dụng làm vũ khí tấn công hạt nhân phủ đầu, dựa trên tầm xa, tính linh hoạt, độ chính xác và khả năng mang nhiều đầu đạn của nó.

Tuy nhiên, giới phân tích cho biết, công nghệ của DF41 rất giống với SS-27 Topol-M (RS-12M Topol) - Tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn đơn của Nga. Những công nghệ này có thể đã được Trung Quốc mua lại hoặc sao chép như cách mà họ thường làm với một số sản phẩm quân sự khác của Nga.

Với DF41, Trung Quốc có thể đưa Nga, Ấn Độ và cả Mỹ và tầm ngắm của mình. Các quan chức Mỹ cho rằng, tên lửa này được thiết kế với nhiều đầu đạn hạt nhân nhằm mục đích tấn công nhiều mục tiêu trên lục địa Mỹ, bởi vậy loại tên lửa này sau khi được triển khai sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh nước Mỹ. Bởi vậy, đây là một động thái khiến Mỹ hết sức quan ngại.
 
Ấn Độ khoe dự án phát triển xe tăng hiện đại nhất thế giới

Hồi đầu tháng 8 vừa qua, báo chí quốc tế cũng đưa tin về dự án phát triển loại xe tăng mới nhất Arjun Mark II của Ấn Độ.  Arjun Mark II là phiên bản cải tiến của xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun Mark I do Ấn Độ tự sản xuất. Hiện loại biến thể xe tăng mới này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, bắt đầu từ ngày 23/6 và dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 9/2012 tới.
 
Một trong những đặc tính lớn của Arjun Mark II là nó có khả năng phóng tên lửa chống tăng từ nòng pháo và có thể xoay 360 độ. Ngoài ra, tháp pháo được trang bị hệ thống cảnh báo bằng laze khi xe tăng bị tên lửa đối phương tấn công. Hệ thống này chỉ cần 10-15 giây là phát hiện được tên lửa đang bay đến để kịp chuyển hướng tránh đạn. Pháo lắp trên Arjun Mark II có tầm bắn xa hơn.

Ảnh minh họa

Xe tăng Arjun Mark II có thể hoạt động và tác chiến cả ngày lẫn đêm với sự kết hợp giữa chỉ huy và pháo thủ. Để điều khiển xe tăng Arjun cần một kíp lính gồm 4 người: chỉ huy, pháo thủ, nạp đạn và lái xe.
 
Bên cạnh đó, Arjun Mk II còn được tăng cường thêm giáp phản ứng nổ hình chữ V ở sườn trước tháp pháo để tăng cường lớp giáp phòng thủ thụ động chống lại đạn pháo và tên lửa của đối phương. Xe tăng còn có tính linh hoạt rất cao. Các chuyên gia đánh giá rằng ngay cả khi so sánh với xe tăng chủ lực chiến lược T-90 của Nga với trọng lượng nhẹ hơn (40 tấn) thì Arjun Mark II vẫn di chuyển khá nhanh nhẹn. Thêm vào đó, xe tăng này còn được nâng cấp sử dụng hệ thống điều khiển số hóa, ổ đĩa, ray và bánh xích mới linh hoạt hơn.
 
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu thử nghiệm thành công, Arjun Mark II sẽ trở thành một trong những loại xe tăng tối tân nhất thế giới. Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự kiến sẽ đặt hàng 124 xe tăng loại này nếu nó được thử nghiệm thành công.


Việt Nguyễn - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc