Quốc đảo nhỏ bé khiến các cường quốc hạt nhân điêu đứng?

10:11, 08/03/2016
|

(VnMedia) - Trong những ngày đầu tiên của cuộc Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã cho phát nổ 67 quả bom hạt nhân trên quần đảo Marshall như một phần trong chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân của nước này. Hơn một nửa thế kỷ sau đó, quốc đảo Thái Bình Dương nhỏ bé cuối cùng đã đưa mọi việc ra toà.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Từ năm 1946 đến 1958, Mỹ đã sử dụng vùng Nam Thái Bình Dương như một khu vực thử nghiệm cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Những vụ thử đó đã gây ra ảnh hưởng mang tính huỷ diệt đối với quần đảo Marshall – nơi 67 quả bom hạt nhân đã phát nổ.

"Nhiều đảo ở đất nước của tôi đã bị 'bay hơi' vĩnh viễn và nhiều đảo khác được cho là vẫn sẽ tiếp tục không thể sinh sống được trong hàng ngàn năm tới. Nhiều người đã chết, nhiều người bị dị tật từ khi mới sinh ra và nhiều người phải chiến đấu chống lại bệnh ung thư gây ra do tình trạng nhiễm xạ", Ngoại trưởng quốc đảo Marshall - ông Tony de Brum cho biết.

Quốc đảo nhỏ xinh Marshall đã tiến hành 9 vụ kiện, cáo buộc các cường quốc hạt nhân vi phạm Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí hạt nhân khi không chịu giải trừ kho vũ khí hạt nhân của họ.

Trong khi Mỹ từ chối tham gia vào vụ kiện thì 3 trong số các vụ kiện sẽ được đưa lên giải quyết tại Toà án Quốc tế ở The Hague. Trong khoảng 10 ngày tới, các thẩm phán sẽ lắng nghe cáo buộc chống lại hai nước Ấn Độ và Pakistan. Vụ kiện thứ ba nhằm vào Anh sẽ được đưa ra xét xử vào ngày mai (9/3).

Trong khi những vụ kiện của quốc đảo Marshall không thể dẫn đến kết quả là các cường quốc hạt nhân giải trừ hoàn toàn kho vũ khí huỷ diệt hàng loạt của họ thì những vụ xử đó đã cho thấy một điều rằng, toà án quốc tế có thể có tiếng nói nhất định, dù là nhỏ, cho các nước nhỏ.

"Thật là đáng xấu hổ khi 6 cường quốc hạt nhân khác đã quyết định không cần trả lời” những vụ kiện của quốc đảo Marshall, ông Phon van den Biesen- một luật sư đại diện cho quốc đảo Marshall cho biết.

"Một khi ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân bị xoá bỏ, luật pháp sẽ chỉ còn là một trò hề và công lý sẽ chỉ là di tích của quá khứ”, ông Biesen nói thêm.

Đảo Bikini trên quần đảo Marshall là nơi diễn ra 23 vụ thử hạt nhân. Cho đến nay, đảo này phần lớn vẫn không thể sinh sống được. Trong khi con cháu của người dân từng sống ở đảo Bikini từ lâu vẫn luôn muốn quay trở lại nơi này để sinh sống nhưng tình trạng bức xạ còn dư buộc họ vẫn phải sống lưu vong ở nơi khác.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2012 dự đoán, đảo Bikini phải hứng chịu tình trạng “nhiễm độc môi trường không thể thay đổi được”.

Trên đảo Runit, gần đảo Enewetak, quân đội Mỹ đã xây dựng một công trình bê tông lớn để cất giữ hàng tấn chất thải phóng xạ. Hiện tại, phóng xạ đang rò rỉ ra môi trường xung quanh.

"Chúng tôi đang chiến đấu cho cái mà chúng tôi tin là giải pháp duy nhất để duy trì hoà bình và sự thịnh vượng của thế giới tương lai”, Ngoại trưởng deBrum phát biểu tại cuộc họp báo khi lần đầu tiên công bố các vụ kiện.

Vấn đề hạt nhân đang trở nên cấp bách khi bán đảo Triều Tiên đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Sở dĩ nói tình hình cấp bách là do chưa lúc nào mà Bình Nhưỡng nói nhiều đến khả năng phát động các cuộc tấn công hạt nhân nhiều như thời điểm này. Phần lớn các nhà phân tích tin rằng, những lời đe doạ ớn lạnh về một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu của Triều Tiên chỉ là lời nói “trống rỗng”. Tuy nhiên, cộng đồng thế giới không tránh khỏi cảm giác bất an, quan ngại khi chính quyền Triều Tiên xưa nay vốn nổi tiếng là khó dự đoán.


Ý kiến bạn đọc