Nga khiến NATO phải tung toàn lực

17:53, 06/11/2015
|

(VnMedia) - NATO đang thực hiện một cuộc phô diễn sức mạnh quân sự lớn nhất trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây với sự hiện diện quy mô lớn được dàn dựng bài bản của các binh lính, tàu chiến và máy bay.

Tất cả đều nhằm mục tiêu “mài sắc” năng lực của NATO cũng như phát đi thông điệp cảnh báo đối với Nga và các kẻ thù tiềm tàng khác của liên minh quân sự phương Tây.

NATO đang có cuộc đối đầu quyết liệt với Nga
NATO đang có cuộc đối đầu quyết liệt với Nga

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra hôm 4/11, Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg cho biết, mục đích của NATO là đào tạo và huấn luyện nhưng cũng là để “phát đi thông điệp rõ ràng cho chính các nước thành viên và bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào”.

"NATO không tìm kiếm các cuộc đối đầu. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng đứng lên bảo vệ mọi thành viên trong liên minh”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Trong 3 tuần bắt đầu từ ngày 21/10, hơn 36.000 binh lính đến từ tất cả 28 nước thành viên NATO và 8 quốc gia đối tác đã tham gia vào hàng loạt cuộc diễn tập trên một dải đất rộng ở phía nam Châu Âu, kéo dài từ Bồ Đào Nha đến Italia. Lực lượng binh lính hùng hậu đã “khoe” sức mạnh và sự thiện chiến của họ cùng với hơn 160 máy bay và 60 tàu chiến.

Mục tiêu số 1 của cuộc tập trận mang tên Trident Juncture là nhằm đảm bảo Lực lượng Phản ứng Nhanh được tăng cường của NATO có thể đảm trách nhiệm vụ của mình cũng như bảo đảm rằng Mỹ cùng với các đồng minh trong liên minh có thể phản ứng nhanh chóng và đồng bộ với nhau trước bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Trong hơn một năm qua, liên minh gồm 28 thành viên của NATO đã phải vật lộn với nhiệm vụ cải tổ, đổi mới nhằm tăng cường sức mạnh của mình. Cuộc cải tổ đau đớn này xuất phát phần lớn nguyên nhân từ sự lo ngại của NATO trước Nga sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Ngoài ra, NATO cũng muốn xây dựng một lực lượng có thể đáp ứng được trước thách thức từ các mối đe doạ an ninh mới do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố cực đoan khác gây ra.

"Lần gần đây nhất NATO tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên ở quy mô lớn như thế này là vào giữa thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi phải đối diện với mối đe doạ từ Liên Xô", ông Alexander Vershbow – Phó Tổng thư ký NATO cho biết như vậy tại lễ khai hoả cuộc tập trận ở căn cứ không quân Trapani, vùng Sicily hồi tháng trước.

"Hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với một tình hình nguy hiểm hơn, bất ổn hơn. Trong thế giới mới này, các thành viên và đối tác của NATO cần phải có khả năng phản ứng nhanh và hành động kiên quyết”, ông Vershbow cho biết thêm.

Hôm 4/11, hơn 500 lính nhảy dù từ Đội chiến đấu 2 thuộc Sư đoàn không quân 82 đã nhảy dù xuống một bãi tập ở phía đông bắc Tây Ban Nha sau 9 giờ bay trên chiếc C-17 Globemaster III từ căn cứ ở Fort Bragg, Bắc Carolina.

"Bay ở độ cao tối đa, gió nhẹ, trời sáng – đó là một ngày đẹp với một lính nhảy dù”, Thượng sĩ Patrick Malone, 31 tuổi, đã nhận xét như vậy.

Trước đó cùng ngày, cũng trong khuôn khổ cuộc tập trận Trident Juncture, 1.800 binh lính từ 12 quốc gia NATO dưới sự hậu thuẫn của trực thăng và xe tăng, đã thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào một kẻ thù giả định đang cố thủ ở một ngôi làng giả định ở bãi tập San Gregorio gần thành phố Zaragoza của Tây Ban Nha.

Những màn diễn tập trên đều là nhằm để phô trương sức mạnh của NATO cũng như để thể hiện mối tình gắn kết xuyên Đại Tây Dương mà liên minh quân sự phương Tây được dựng lên để bảo vệ. Giới lãnh đạo quân sự và dân sự hàng đầu của NATO đều có mặt để theo dõi các màn diễn tập.

NATO cho biết, liên minh này muốn các nước khác đến chứng kiến những gì họ đang thể hiện. Theo liên minh quân sự phương Tây, 3 đoàn giám sát của Nga hồi cuối tháng 10 đã đến quan sát cuộc tập trận Trident Juncture ở Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Và “để bảo đảm tính minh bạch, công khai của cuộc tập trận”, NATO còn mời các nhà quan sát của 11 quốc gia, từ Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đến Mexico.

 Mối quan hệ giữa Nga với NATO đã rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.

Những động thái trên của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO. Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.

Nga và NATO hiện giờ đều coi nhau là mối đe doạ hàng đầu và luôn tìm cách đề phòng, dè chừng nhau.

 


Ý kiến bạn đọc