Nga "đánh" phương Tây bằng S-300

18:50, 28/01/2015
|

(VnMedia) - Iran mong muốn Nga sẽ tuân thủ các nguyên tắc trong hợp đồng bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, hợp đồng mà phía Nga đã buộc phải hủy bỏ do tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuyên bố trên vừa được Đại sứ Iran tại Nga – ông Mehdi Sanaei đưa ra hôm qua (27/1).
 
“Iran luôn coi hợp đồng S-300 là hợp pháp và không phải là đối tượng của các lệnh trừng phạt quốc tế vì nó được ký kết trước khi lệnh trừng phạt này được áp đặt và S-300 là một hệ thống vũ khí phòng thủ chứ không phải là vũ khí tấn công”, ông Sanaei cho biết.
 
Theo đó, Đại sứ Iran tại Liên bang Nga bày tỏ hy vọng Nga nhanh chóng “thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng” để có thể sớm cung cấp các hệ thống phòng không S-300 cho cho Tehran.

Ảnh minh họa

Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Iran, ông Javad Zarif từng nói rằng: “Đàm phán về S-300 đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Iran thảo luận. Chúng tôi hy vọng vào một giải pháp nhanh chóng. Chúng tôi ủng hộ giải quyết vấn đề thông qua đối thoại”.

Trong khi đó, mới đây, ngày 20/1, truyền thông Nga cho biết, nước này có thể sẽ vẫn tiến hành việc chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran.
 
Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời Đại tướng Leonid Ivashov nói: "Một bước đi đã được thực hiện theo hướng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ vũ khí, ít nhất là về các hệ thống phòng thủ như S-300 hay S-400. Có thể chúng tôi sẽ chuyển giao chúng." Ông Ivashov là cựu giám đốc bộ phận hợp tác quốc tế dưới quyền bộ trưởng quốc phòng Nga.

Năm 2007, Iran và Nga đã ký một hợp đồng bán các tiểu đoàn S-300 trị giá 800 triệu USD. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đóng băng năm 2010 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt Tehran. Nghị quyết trên quy địnhviệc hạn chế cung cấp các loại vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa và hệ thống tên lửa tấn công, xe tăng, máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu, tàu chiến cho Iran. Ngày 22/9/2010, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã  chính thức ký sắc lệnh hủy bỏ hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran.  

Iran đã đệ đơn kiện đòi bồi thường số tiền 4 tỷ USD tại Tòa án trọng tài Geneva và vụ án đang được xem xét. Một số chuyên gia quân sự cũng cho rằng, về hình thức, hợp đồng S-300 không hề vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Mỹ và Israel và các nước phương Tây đã có nhiều động thái vận động Nga ngăn chặn việc bán tên lửa và cho rằng Iran sẽ sử dụng các hệ thống tên lửa nhằm bảo vệ các cơ sở hạt nhân từ các cuộc không kích có thể xảy ra trong tương lai. Bởi vậy, việc Nga quyết bàn giao S-300 cho Iran có thể là một đòn giáng đầy thách thức của Nga đối với Mỹ và phương Tây, trong bối cảnh căng thẳng giữa các bên đang gia tăng.
  
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
 
S-300 khởi thủy được thiết kế để đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù.
 
Khi lần đầu tiên được Liên Xô (cũ) triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa mà nhiều nước thèm muốn có được để bảo vệ cho vùng trời lãnh thổ của họ.
 
Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.
 
Hệ thống S-300 được trang bị nhiều loại ra-đa tối tân, bao gồm đài ra-đa trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, ra-đa trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, ra-đa điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với ra-đa dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng.
 
Tất cả các thành phần đài ra-đa và xe phóng đều được đặt trên xe vận tải bánh lốp hạng nặng, tính cơ động cao. Với khả năng đó, nó cho phép hệ thống đối phó có hiệu quả trước việc không quân đối phương phản đòn.
 
Hệ thống S-300 có thể được triển khai chỉ trong vòng 5 phút một khi nó được vận hành bởi các binh lính có tay nghề, được đào tạo bài bản.
 
Hệ thống S-300PMU2 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của không lực Mỹ và Israel với tốc độ cực đại cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.
 
Mặc dù, chúng có thể bị đánh chặn hay phá hủy bởi lực lượng phòng không mặt đất. Tuy nhiên, đó thực sự là một nhiệm vụ khó khăn đối với đối phương.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc