Tăng học phí đại học: Sinh viên nghèo lo thất học!

16:50, 02/10/2015
|

(VnMedia) - Dự kiến học phí đại học giai đoạn từ 2015-2016 đến 2020-2021 sẽ tăng tại tất cả các trường đại học công lập và các trường tự được tự chủ tài chính. Nhưng e rằng việc này sẽ dẫn đến một số sinh viên nghèo không thể theo học.
 
Sinh viên nghèo khó theo trường kinh tế, y, dược
 
Theo Dự thảo về mức trần học phí mới của các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015- 2016 đến 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình Chính phủ, học phí bậc đại học dự kiến tăng mạnh, đặc biệt đối với các trường được tự chủ tài chính.
 
Việc này nằm trong lộ trình đổi mới cơ chế hoạt động và giao dần việc tự chủ toàn diện đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc tăng học phí sẽ là điều khó khăn cho nhiều gia đình, vì hiện nay đa phần sinh viên đến từ các vùng nông thôn, kinh tế gia đình không khá giả, đặc biệt sinh viên nghèo dễ có nguy cơ “thất học”.
 
Mức trần học phí của trường đại học được tự chủ tài chính sẽ phân theo nhóm ngành nghề, với mức tối đa của nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015 - 2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác còn cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành y, dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/ năm. 
 
Như Trường Đại học Tài chính - Marketing dự kiến sẽ tăng học phí với mức cao nhất là 16,5 triệu đồng/năm. Theo lộ trình, mức thu học phí bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm học 2015 - 2016 là 14,5 triệu đồng/người học/năm, năm học 2016 - 2017 là 16,5 triệu đồng.  
 
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thu học phí ổn định với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014 - 2015 là 9,5 triệu đồng/sinh viên/năm, nhưng năm học 2015 - 2016 tăng lên 11,5 triệu đồng/sinh viên/năm và đến năm học 2016 - 2017 là 13,5 triệu đồng/sinh viên/năm.  
 
Đại học Ngoại thương giai đoạn 2015 - 2017 được Chính phủ phê duyệt, thu học phí tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm 2015 - 2016 là 14,5 triệu đồng một sinh viên, năm 2016 - 2017 là 16 triệu đồng. 
 
Như vậy, một sinh viên nghèo nếu đỗ đại học ở các khối trường kinh tế trên, tính cả tiền học phí (theo khung giá mới) và cộng thêm chi phí ăn, ở, sinh hoạt thì ít nhất cũng phải mất từ 30-35 triệu đồng/sinh viên/năm. Điều này chắc chắn sẽ có nhiều sinh viên nghèo không thể chi trả được trong suốt thời gian học 4 - 5 năm hoặc không thể học được đại học. Chưa kể nếu đỗ vào các trường khối y, dược cần đầu tư kinh phí học tập lớn hơn thì không biết sinh viên nghèo sẽ xoay sở ra sao.

Ảnh minh họa

  Sinh viên nghèo khó "chịu đựng" được mức học phí mới của các trường khối kinh tế, y, dược. (Ảnh minh họa)


Cần tính tới “sức chịu đựng” của sinh viên  

Theo ông Nguyễn Đình Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, dù tự chủ tài chính nhưng khi tính mức học phí, các trường cần phải tính tới “sức chịu đựng” của sinh viên. Không thể lấy lý do tự chủ để đẩy học phí lên quá cao, vì đa phần sinh viên là con em ở nông thôn.
 
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tăng học phí dù ở mức nào đi chăng nữa vẫn phải đảm bảo quyền lợi của sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Lộ trình tăng học phí vẫn phải được Chính phủ và các trường đại hoc đảm bảo chính sách hỗ trợ, cấp học bổng cho sinh viên thuộc diện khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng tiến hành phân tầng, xếp hạng các trường đại học. Sau đó, tùy theo xếp hạng trường ở tốp đầu, tốp giữa hay mức trung bình mà có những mức quy định thu học phí cho phù hợp.
 
Cần công khai, minh bạch mức thu học phí tùy theo chất lượng đào tạo thực tế ở các trường. Vì như vậy, sinh viên có thể biết trước được chất lượng, mức học phí của từng trường để chọn lựa nên đăng ký xét tuyển vào trường sao cho phù hợp với sức học và cả khả năng tài chính của gia đình.
 
Song hành với việc tăng học phí đại học phải là tăng chất lượng đào tạo. Việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng phải gắn với quyền tự chịu trách nhiệm, tránh hiện tượng lợi dụng tự chủ để lạm thu.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc